Nhìn lại những hoạt động gần đây, có thể nói ngành y tế tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên mọi lĩnh vực. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, sự đầu tư kịp thời của Trung ương và địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những thành quả nổi bật của ngành trong năm qua là hệ thống y tế trong toàn tỉnh không ngừng được xây dựng, củng cố và kiện toàn. Phương thức hoạt động được đổi mới, nhờ đó chất lượng, hiệu quả phục vụ được nâng lên. Ðến nay, 9/9 trung tâm y tế huyện, thị xã đã được củng cố và thực hiện tốt chức năng phòng dịch, điều trị cũng như quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.
Bên cạnh đó, 96 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, đủ khả năng tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ðáng chú ý, có bốn phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Nguồn nhân lực trong ngành cũng không ngừng tăng cường và hoàn thiện. Hiện tuyến huyện có 505 cán bộ y tế, trong đó trình độ đại học và sau đại học có 61 người (12,08%), trung học 292 người (57,85%). Tại tuyến xã có 490 người và 826 nhân viên y tế thôn, bản, làng được trang bị túi y tế. Trong số cán bộ y tế xã, 563 người đã được đào tạo cơ bản từ ba tháng trở lên.
Nhìn chung, cán bộ y tế ở tỉnh vùng núi cao này đã tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Bình quân mỗi xã có 5,1 cán bộ y tế; 100% số xã có y sĩ và nữ hộ sinh. Hiện 46 xã ở Kon Tum đã có bác sĩ phục vụ tại trạm y tế.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế được đầu tư nâng cấp. Trong năm qua, ngành đã tập trung đầu tư hoàn thành Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, Bệnh viện Ða khoa huyện Ngọc Hồi, hệ thống xử lý chất thải lỏng của Trung tâm Y tế huyện Ðác Tô cũng như hoàn thiện các hạng mục còn lại và đầu tư mua sắm trang thiết bị cho mười trạm y tế xây dựng mới. Ngành cũng đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc chương trình y tế quốc gia, phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.
hờ đó, trong năm qua không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ bảy loại vắc-xin đạt 83,6%. Số phụ nữ có thai và phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi không có thai tiêm UV2+ đạt 90%. Tỷ lệ phong lưu hành 0,5/10.000 dân, tỷ lệ bướu cổ từ tám đến mười tuổi 4,6%. Công tác phòng chống lao, tâm thần đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới năm tuổi giảm còn 28,1%.
Mặt khác, ngành chỉ đạo các cơ sở y tế từng bước triển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân tại cơ sở y tế. Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi thực hiện có hiệu quả. Ðề án khám, chữa bệnh theo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện tỉnh đang được tiến hành; đặc biệt hệ thống chụp cắt lớp vi tính G.Scanner mới trang bị cho bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng phát hiện sớm, cứu chữa kịp thời một số bệnh hiểm nghèo cho người bệnh trên địa bàn.
Cùng với công tác khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, ngành y tế còn chú trọng tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân.
Trong lĩnh vực y tế tư nhân, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, động viên, khuyến khích mọi thành phần tham gia chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ðến nay, hệ thống cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được mở rộng, người dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Ngành còn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo sau đại học và đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Hiện có 195 cán bộ, công chức đang theo học các trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó bác sĩ sau đại học 57 người, bác sĩ chuyên tu 64 người, dược sĩ đại học hai người. 150 nhân viên y tế thôn, làng đang được đào tạo ba tháng về chuyên môn, nghiệp vụ. Tỉnh cũng đã cử hàng trăm học sinh đi đào tạo đại học, trung học y và dược theo hệ cử tuyển tại các truờng đại học trong nước.
Có thể nói, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đồng bào các dân tộc trong tỉnh Kon Tum thời gian qua đang được thực hiện ngày một tốt hơn. Ðiều này được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Ðoàn công tác của Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao nhân chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên mới đây. Mặt khác, điều đó cũng đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của ngành y tế trong việc tham mưu cho lãnh đạo cấp trên của địa phương làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.