Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007

Chấm phúc khảo trắc nghiệm thế nào?

Bà Đặng Kim Nhung, ĐH Thăng Long cho rằng “ Không nên đặt ra điều kiện nào đối với thí sinh mà nên chấm phúc khảo đối với tất cả những trường hợp đề nghị”. Nhưng phúc khảo môn thi trắc nghiệm sẽ làm thế nào? Trong quá trình phúc khảo, liệu có thể “lọt lưới” những hành vi tiêu cực không khi phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh không có mục “rọc phách”?

Kiểm tra lại kết quả của máy chấm

Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm, bộ phận chấm thi sẽ phải quét toàn bộ bài thi của thí sinh, bản gốc sẽ được niêm phong, máy chỉ chấm trên hình ảnh bài thi đã được lưu lại. Vì thế nếu thí sinh không tuân thủ các thao tác kỹ thuật hoặc cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy trình, máy chấm có chất lượng không đạt yêu cầu...kết quả chấm có thể sẽ bị sai lệch so với bài làm của thí sinh.

Chấm phúc khảo môn thi trắc nghiệm không phải là lập ra một hội đồng do GV chấm lại như chấm thi tự luận. Theo ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-TĐ thì “chấm phúc khảo là kiểm tra lại xem máy có chấm đúng như bài làm của thí sinh không”.

Các trường có đơn phúc khảo của thí sinh phải thành lập HĐ chấm phúc khảo, trong đó có kỹ thuật viên, thanh tra, công an giám sát...Thực chất, HĐ chấm phúc khảo là bộ phận giám sát quá trình kiểm tra lại kết quả chấm của máy. Những trường nhờ Bộ chấm hộ các môn trắc nghiệm, khi có đơn phúc khảo của thí sinh thì mang đơn đến Bộ. Bộ sẽ thành lập tổ chấm phúc khảo, trong đó có lãnh đạo chấm thi của trường và do trường chủ trì.

Dưới sự giám sát của tổ chấm phúc khảo, thanh tra, công an, túi bài thi sẽ được mở niêm phong và rút bài thi của thí sinh ra. Lãnh đạo trường có bài thi đề nghị phúc khảo sẽ cầm bài thi ( phiếu trả lời trắc nghiệm) đó. Người phụ trách kỹ thuật sẽ đọc kết quả bài làm của thí sinh do máy chấm để đối chiếu với phần thí sinh làm trên phiếu. Nếu có sự sai lệch giữa bài làm và kết quả do máy chấm, tổ chấm phúc khảo sẽ lập biên bản và sửa lại kết quả cho thí sinh.

Ví dụ đã có trường phát hiện máy nhận dạng không chuẩn, đã định vị lệch, dẫn đến báo kết quả sai. Khi phát hiện ra điều này, chỉ cần điều chỉnh lại, và sửa kết quả chấm cho đúng với bài làm của thí sinh. Theo tổ chấm thi của một số trường ĐH nhận định thì nhiều khả năng những bài thi phải “sửa kết quả”, trách nhiệm thuộc về các thí sinh. Ví dụ có trường hợp máy “không chấm” do nhận dạng thí sinh trả lời hai phương án (quy định mỗi câu chỉ tô một phương án). Nhưng khi rút bài thi của thí sinh ra kiểm tra lại thì mới xác định thí sinh chỉ chọn một phương án duy nhất. Thực chất máy “nhầm” là do trước đó thí sinh đã tô một phương án khác, nhưng thay đổi sự lựa chọn đã dùng tẩy xoá đi, nhưng tẩy không kỹ nên vẫn còn vết chì mờ. Những máy quá nhạy sẽ nhận dạng cả hai phương án. Ngược lại, có thí sinh đã tô chì quá nhạt, máy chấm không nhận dạng được và không cho điểm câu trả lời đó...

Phần lớn những sai sót kỹ thuật bên ngoài bài làm của thí sinh, như tô sai mã đề, sai số báo danh... đều đã được các trường điều chỉnh trong quá trình kiểm dò. Nhưng về nguyên tắc, phần bài làm của thí sinh không được can thiệp. Chỉ khi có đơn phúc khảo, các tổ chấm phúc khảo trắc nghiệm mới đối chiếu và điều chỉnh dưới sự giám sát của nhiều thành phần.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thì nếu những bài thi phúc khảo có sự chênh lệch điểm giữa hai lần chấm, lỗi do máy chấm sai thì phải truy cứu trách nhiệm của cán bộ thực hiện quy trình chấm, lỗi do thí sinh thì thí sinh phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc chấm phúc khảo trắc nghiệm cũng thực hiện trên tinh thần vì quyền lợi chính đáng của thí sinh. Có nghĩa nếu thí sinh được xác nhận trả lời đúng, vì lỗi kỹ thuật mà cho kết quả chấm sai thì sẽ được sửa lại kết quả chấm.

Ngăn ngừa tiêu cực

Chuyện “không rọc phách” phiếu trả lời trắc nghiệm đã được nhiều người đề cập đến từ khi kỳ thi diễn ra. Nhưng theo ông Nguyễn An Ninh thì: Trên thế giới cũng không đâu thực hiện việc “dọc phách” phiếu trả lời trắc nghiệm cả nên không nên đặt vấn đề này ra để bàn. Dọc phách là lại thêm một khâu phức tạp, nhưng không cần thiết!

Về nguyên tắc, những người có trách nhiệm vào khu vực chấm phúc khảo môn trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy. Việc đối chiếu kết quả chấm với bài làm của thí sinh được thực hiện dưới sự giám sát của nhiều thành phần: Lãnh đạo trường, cán bộ kỹ thuật, công an, thanh tra... nên khó có thể một ai đó thực hiện được hành vi tiêu cực sửa lại bài làm của thí sinh (thay đổi phương án lựa chọn). Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng GD cho rằng việc “giám sát” và “niêm phong bài thi” là những khâu cần thực hiện đúng hướng dẫn, nếu làm đúng sẽ không có chuyện tiêu cực như dư luận lo ngại.

Tuy nhiên, đại diện một vài trường cũng đặt ra vấn đề: Nếu cả tổ chấm trắc nghiệm, trong đó cả công an, thanh tra đều đồng lòng thực hiện hành vi tiêu cực thì sao? Việc này khó xảy ra, nhưng không phải không thể xảy ra. Nhất là đối với các trường tự chấm trắc nghiệm, tự tổ chức Hội đồng chấm phúc khảo.

Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định: Việc thi trắc nghiệm (bao gồm chấm thi, phúc khảo) có quy định riêng ngoài quy chế tuyển sinh, nhưng có giá trị như quy chế. Việc hướng dẫn chấm phúc khảo đã được gửi cho các trường, nếu trường làm sai, sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm như việc vi phạm quy chế tuyển sinh.

Thí sinh cần biết về chấm thi phúc khảo môn trắc nghiệm:

* Thí sinh không cần điều kiện gì, ngoài việc phải nộp lệ phí chấm phúc khảo. Nếu thí sinh được sửa điểm thì lệ phí này sẽ được hoàn lại.

* Ngay sau khi công bố điểm thi, các trường sẽ nhận đơn phúc khảo của thí sinh. Thời hạn nhận đơn là 15 ngày kể từ khi các trường công bố điểm thi.

* Kết quả chấm phúc khảo sẽ phải được báo cho thí sinh, chậm nhất là vào 10-9. Đây cũng là thời điểm thí sinh không đỗ NV1 có thể nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường khác. Vì thế những thí sinh nhận kết quả thi chậm (sau khi phúc khảo) không bị ảnh hưởng đến việc nhập học (theo NV1) hoặc xét tuyển NV2, NV3