Những trận mưa lũ kinh hoàng tại các tỉnh miền trung hồi tháng 10/2022 đã gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân. Hàng nghìn ngôi nhà bị sập, tốc mái, nhiều tài sản, gia súc, gia cầm, hoa màu bị lũ cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tại tỉnh Nghệ An, ngôi nhà cấp bốn của mẹ con cô La Thị Vân, giáo viên Trường mầm non Bảo Nam, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) mới xây được ba tháng từ số tiền cô dành dụm và vay mượn, sau trận lũ chỉ còn hai bức tường đổ nát. Lũ ập đến quá nhanh và bất ngờ, cô giáo Vân chỉ kịp ôm con bỏ chạy. Ra đi tay trắng và khi trở về thì trắng tay. Chỉ tính riêng bản Hòa Sơn đã có 11 gia đình giáo viên bị lũ cuốn trôi nhà cùng toàn bộ tài sản. Họ phải ở nhờ nhà hàng xóm hoặc dựng tạm tấm bạt che nắng che mưa. Cơn lũ qua đi, để lại cho cô giáo Vân và các đồng nghiệp nơi đây chồng chất khó khăn.
Cuộc sống của hơn 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là khoảng 300.000 người khuyết tật của tỉnh Nghệ An sau trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2022 đến nay vẫn chưa thể hồi phục, trong khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ chi hơn 70 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã có thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đón Tết cổ truyền Quý Mão 2023 ấm áp, đầy đủ.
Quảng Bình cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ thời gian qua. Hiện, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ nghèo và hơn 13.000 hộ cận nghèo, hơn 45.000 người khuyết tật, gần 600 trẻ mồ côi cần được giúp đỡ. Thiên tai, bão lũ ảnh hưởng đến mọi người dân, nhưng những người yếu thế là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khó phục hồi nhất. Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội ngày 29/12/2022, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh sẽ chi hơn 13 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ một triệu đồng. Đồng thời, tỉnh trình Chính phủ cấp hơn 1.240 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho hơn 29 nghìn hộ khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình huy động hơn một tỷ đồng, tặng quà các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, người khuyết tật... Đây là những thông tin làm ấm lòng những người dân nghèo trên mảnh đất còn nhiều gian khó.
Chuẩn bị cho Tết Quý Mão 2023, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người yếu thế, người bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ, để mỗi người Việt Nam dù ở đâu hay có hoàn cảnh như thế nào đều được chăm lo và có Tết. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động phong trào "Tết Nhân ái" năm 2023, gồm chuỗi các hoạt động: tặng quà, hội chợ, vui Tết, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng đồng hành, nhằm trợ giúp về vật chất, tinh thần cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được vui Xuân, đón Tết. Hội cũng có kế hoạch hỗ trợ một triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị khoảng 600 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 600.000 hộ nghèo, 850.000 hộ cận nghèo, khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, 4,3 triệu người già cô đơn cần chăm sóc, hơn 170.000 trẻ mồ côi, trong đó 4.400 trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19. Họ là những đối tượng cần được cả xã hội quan tâm, nhất là khi Tết đến, xuân về.