Cây xạ đen được phân bố nhiều ở các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Thái-lan... Ở Trung Quốc, loại cây này thường mọc ở độ cao từ 1.000 - 1.500 m. Còn ở nước ta, xạ đen phân bố chủ yếu tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Ba Vì, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai...
Một nguồn dược liệu quý
Xạ đen là loại cây dạng bụi leo, dễ trồng nên có thể trồng tận dụng đất hai bên đường đi, bờ rào, bờ ao, bờ kênh... và đặc biệt rất thích hợp trồng xen canh. Mô hình trồng xen xạ đen với những cây ăn quả hoặc lấy gỗ vừa tạo môi trường sống thích hợp cho cây phát triển tốt, vừa làm tăng giá trị thu hoạch cho vườn cây, trang trại.
Theo kết quả khảo sát ở một số vùng, vườn của tỉnh Hòa Bình đã trồng xen lẫn các loại cây bản địa với xạ đen như: cây trầm Aquilaria, cây sấu, cây trám trắng... Xạ đen không đòi hỏi tốn công sức chăm bón, không yêu cầu kỹ thuật cao và nhiều diện tích đất. Việc trồng xen dưới tán cây rừng và cây ăn quả sẽ làm tăng thêm giá trị thu trên một đơn vị diện tích đất.
Theo đông y thì cây xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng hữu hiệu trong điều trị mụn nhọt, ung thũng, tiêu viêm, giải độc, giảm tiết dịch trong xơ gan cổ chướng và đặc biệt trong chữa trị ung thư. Trong tài liệu nghiên cứu mới nhất của Viện quân y 103 đã công nhận tác dụng chữa trị bệnh của cây xạ đen là làm hạn chế sự phát triển của các khối u trong cơ thể người bệnh.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây thuốc nam xạ đen rất rộng lớn. Giá bán các sản phẩm từ thân, cành cây xạ đen khô dao động trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg; còn các sản phẩm từ lá phơi khô dao động từ 150.000- 170.000 đồng/kg.
Để bảo vệ và phát triển nguồn cây xạ đen, trước hết cần có biện pháp giảm sức chặt phá khai thác của người dân địa phương, sau là tiến hành bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý với sự tham gia của các tổ chức, các nhà khoa học. Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình đã có những chương trình ươm tạo, bảo tồn, quy hoạch và phát triển loại cây này.
Hiện nay, ở một số địa phương của tỉnh Hòa Bình đang mở rộng phát triển diện tích vườn trang trại trồng cây xạ đen. Phát triển mở rộng diện tích trồng xạ đen không những nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cung cấp dược liệu quý mà còn giảm bớt nạn khai thác, chặt phá bừa bãi cây xạ đen trong nhân dân các địa phương, bảo tồn phát huy được nguồn gen cây thuốc nam quý.
Một số vùng như: Lạc Sơn, Lương Sơn đã triển khai nhân giống và quy hoạch vùng trồng cây. Nhiều trang trại chuyên trồng xạ đen phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho y học đã hình thành ở quy mô vừa và nhỏ như: trang trại của lương y Đinh Thị Phiển ở Lương Sơn với diện tích khoảng 5 ha, trang trại của GS.TS Lê Thế Trung ở bãi Đá Chông, ông Đinh Văn Thảo trồng dưới tán rừng...
Biến xạ đen thành hàng hóa giá trị
Theo ông Nguyễn Tâm Minh, Chi cục phát triển lâm nghiệp Hòa Bình, song song với các hoạt động phát triển và bảo tồn cây dược liệu là những chương trình, chiến lược, chính sách trong phát triển lâm nghiệp của nước ta. Vấn đề bảo tồn và phát triển cây dược liệu nói chung và cây xạ đen nói riêng trong những năm qua đã được quan tâm khuyến khích. Tác dụng chữa trị bệnh của các loài cây dược liệu là các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc đã được khẳng định mang lại giá trị lớn. Phát triển làm giàu rừng kết hợp giữa việc tận dụng tiềm năng sẵn có của rừng, nghiên cứu trồng thêm các loại dược liệu quý có giá trị bằng phương thức canh tác nông lâm kết hợp. Hướng phát triển khai thác rừng và các sản phẩm lâm nghiệp không những góp phần tăng thu sản phẩm mà còn gia tăng thu nhập cho người dân và trách nhiệm của người dân với rừng, với những loài cây con giá trị, bảo vệ cân bằng sinh thái.
Hiện nay, trong công tác nghiên cứu chế biến, đã có nhiều sản phẩm từ xạ đen như: chè xạ đen, chè Bảo thọ xạ đen được sao vàng hạ thổ... Đã có một số công trình nghiên cứu cấp bộ về cây xạ đen, công nhận tác dụng chữa trị bệnh của xạ đen trong đó có chất tác dụng làm hạn chế sự phát triển của khối u rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần có biện pháp chiết xuất hoạt tính để tạo ra viên thuốc nén trong chữa trị bệnh.
Việc mở rộng và phát triển trồng cây xạ đen là không khó, ở vùng có rừng là cây có thể sinh trưởng phát triển tốt. Mặt khác, đây được coi là cây trồng xóa đói ở một số vùng dân tộc. Người Mường và nhiều dân tộc khác vẫn vào rừng nhổ cây xạ đen bán. Trước mắt, điều này đã giải quyết phần nào những khó khăn trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đây không phải là một biện pháp lâu dài. Để phát triển lâu dài và mang lại giá trị kinh tế cao từ xạ đen thì cần có những biện pháp quy hoạch nhân rộng trong những rừng trồng, bảo vệ và khai thác hợp lý.
Theo ông Minh, để tạo động lực phát triển mở rộng hơn nữa cây xạ đen, tạo thị trường chế biến tiêu thụ, trước hết cần coi xạ đen là một mặt hàng giá trị. Bên cạnh đó cần có những nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống, trồng chăm sóc, các giải pháp lâm sinh học để phát triển cây xạ đen. Ngành y dược cũng cần có những nghiên cứu sâu về hoạt tính chữa bệnh của loại cây này để chế xuất ra thuốc chuyên chữa trị các bệnh nan y.