Cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt ở Quảng Trị

NDO -

Ngày 12/2, Giám đốc Ban quản lý khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Hà Văn Hoan cho biết, sau gần 4 năm trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở đỉnh Sa Mù thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, có thể khẳng định loài dược liệu quý này đang phát triển tốt.

Khu bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tiếp tục trồng cây sâm Ngọc Linh ở Sa Mù.
Khu bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tiếp tục trồng cây sâm Ngọc Linh ở Sa Mù.

Cây sâm Ngọc Linh bắt đầu được khu bảo tồn trồng thử nghiệm từ năm 2019, kết quả nghiên cứu cho thấy, trồng cây giống 2 năm tuổi có tỷ lệ sống và phát triển đến 65,2%, cao hơn nhiều so với cây giống 1 năm tuổi.

Tổng số cây giống đã được trồng thời gian qua gần 2 nghìn cây ở độ cao 1.100m, ngoài ra còn trồng rải rác trong rừng tự nhiên ở các độ cao từ 1.200 m đến 1.400 m để thí nghiệm.

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý hiếm, phát triển trong điều kiện sinh thái hẹp, khó thích nghi với thời tiết bất lợi. Tuy nhiên các điều kiện tại Sa Mù phù hợp cho việc di trồng sâm Ngọc Linh.

Theo ông Hà Văn Hoan, có thể khẳng định việc lựa chọn vị trí triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên tại Sa Mù là phù hợp, cây sâm phát triển tốt. Trồng cây giống 2 năm tuổi trở lên cây có sức sống mạnh hơn, tỷ lệ sống cao.

Vì vậy cần tiếp tục di thực cây sâm Ngọc Linh từ huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ra trồng tại khu vực Sa Mù, nơi có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng tương đồng, là có tính khả thi cao.

Nhiệt độ trung bình năm ở Sa Mù vào khoảng 18 độ C, độ ẩm trung bình 85%, lượng mưa trung bình/năm 3.000 mm, độ cao so với mực nước biển 1.500 m, độ che phủ 80%. Thú vị hơn lớp mùn dưới tán lá cây rừng ở Sa Mù có nhiều chỉ số tương đồng với mùn núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt ở Quảng Trị -0
 Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng ở Sa Mù đâm chồi phát triển sau thời kỳ rụng lá ngủ đông.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó có cây sâm Ngọc Linh là một trong những hướng đi mới về phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh.

Với việc trồng cây sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sa Mù, nơi có sự tương đồng về khí hậu và thổ nhưỡng như núi Ngọc Linh, cần xây dựng chiến lược tổng thể, tiếp tục nghiên cứu, thu hút khởi nghiệp, phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp liên kết với người dân địa phương nhằm mang lại hiệu quả cụ thể với mục đích tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương cũng như góp phần bảo tồn loài sâm quý hiếm của đất nước.