Cây đàn Tính và lời hát Then

Tiếng đàn ngân nga, dìu dặt, đưa tâm hồn cả người già, người trẻ, con gái, con trai vào trạng thái bồng bềnh, chơi vơi, mơ màng, huyền ảo... ấy là tiếng đàn Tính và lời hát Then, đã cất lên thì không mắt nào nhắm nổi, không tai nào có thể làm ngơ. Cố nhà thơ dân tộc Tày, Nông Quốc Chấn, có bài ngợi ca: "Chiếc đàn tính và tiếng hát người nghệ sĩ mù", (bài thơ tặng người nghệ sĩ mù Linh Văn Noọng quê ở Văn Quan, Lạng Sơn), có đoạn:

"Dây vải hay dây tơ!
Tiếng đàn Tính lọt vào tai vào ruột
Tiếng vang lên ngọn núi cao cao vút
Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con
Chim trong tổ bay ra ngơ ngác
Ve đậu trên cành hoa im tiếng
Trai gái đi, hát cười vang bỗng dừng
Bảo nhau im lặng, bảo nhau nghe
Có bùa chăng! Dây tính hỡi say mê
Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy!"

Người ta gọi đàn Tính là đàn Then. Then là từ biến âm của chữ Thiên, (tức trời). Ðàn Then là đàn trời cho các bà bụt (người chuyên sử dụng đàn Then vào việc cúng lễ). Tương truyền, trong một giấc mơ vàng, họ được ban cho cây đàn trời và dạy cho các bài hát Then. Do đó tiếng đàn Tính, lời hát Then mới có sức lôi cuốn kỳ lạ đến như vậy.

Ðối với các dân tộc Tày, Nùng nếu si, lượn là làn điệu dân ca giao duyên chỉ có lời, thì Then là hình thức nghệ thuật tổng hợp: có lời, có nhạc, có hóa trang và có biểu diễn (gần giống như hát dân ca quan họ). Then được hát vào những dịp trọng đại của làng xã như: cầu mùa, hội làng, hội Lồng Tồng (hội xuống đồng).

Ðàn Tính có mặt trong tất cả các ngày vui như: dịp năm mới, mừng nhà mới, ngày cưới, mừng thượng thọ, mừng thăng quan, tiến chức; trong cả những lúc buồn, an ủi người ốm, khóc người chết, động viên người đang phiền muộn... Trong không khí thiêng liêng, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện rộn ràng, say đắm, đưa đến cho người nghe, người xem những cảm xúc thẩm mỹ cao. Cho nên người Tày mới có câu tục ngữ: "Ðàn Tính ba năm, kéo Nhị ba buổi", với hàm ý nghe một lần kéo nhị chỉ nhớ ba ngày; còn nghe một lần đàn Tính thì nhớ đến ba năm.

Theo truyền thuyết, Then có từ cuối thế kỷ 16, khi vua Mạc Kính Cung thất thủ lên chiếm cứ Lạng Sơn, Cao Bằng làm căn cứ để chống nhà Lê. Quân sĩ phần thì nhớ nhà, phần thì lạ nước, lạ non, sinh bệnh tật ốm rất nhiều. Nhà vua liền sai Bế Văn Phùng và Quỳnh Vân, sáng tác điệu hát để giải khuây. Không ngờ khi nghe điệu hát này, quân sĩ khỏi bệnh quá nửa. Từ đó Vua Mạc truyền cho phổ biến rộng rãi điệu hát này trong dân chúng, như một phép màu nhiệm chữa bệnh. Cây đàn Tính sở dĩ được quần chúng ưa chuộng, bởi âm thanh, làn điệu của nó hết sức phong phú. Khi réo rắt, khi du dương, khi thì nhịp nhàng thanh thản; khi rộn rã, vui tươi; khi thầm thì như tiếng suối gọi, khắc khoải như những mối mong chờ... Như lời ca của một câu ca dao của người Tày đã ví: "Ké quá tàng nghìn tiểng lượt Then. Mừa lườn táng piến pền báo ón...". Tạm dịch là: "Già qua đường nghe tiếng lượn, Then; Về nhà như biến thành trai trẻ...".

Lời Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên nghe đàn Tính, nghe lời hát Then, người ta cứ thấy trong đó có một cuộc sống của mình. Hát Then là làn điệu dân ca khá phổ biến, được mọi giới, mọi lứa tuổi yêu thích. Song người biết hát Then, nhất là biết sử dụng đàn Tính lại không nhiều, mà chỉ có một số người làm Then chuyên nghiệp như các nghệ nhân, ở các bản làng; các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Còn phần đông chỉ biết thưởng thức phần nhạc và lời Then, vào những mùa lễ hội. Hoặc trong các làng bản có gia đình nào đó mời Then đến biểu diễn, thì hầu như cả làng đều đến dự. Họ nghe và cùng hát Then thức thâu đêm suốt sáng.

Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có mấy loại hình thể hiện với những chức năng chính. Ðó là Then Kỳ Yên (cầu an); Then cầu mùa, Then chúc tụng; Then chữa bệnh; Then cấp sắc (Lẩu Then). Ðặc biệt là, hàng năm khi bước vào năm mới, người Tày, Nùng có những nghi lễ để cầu mong sự an khang, may mắn, sức khỏe... Những gia đình có điều kiện sẽ tổ chức lễ Then Kỳ an là nhằm mục đích ấy. Còn đối với Then cầu mùa, với mục đích là xin các vị thần thiên nhiên, thần mưa, thần nắng cho mưa thuận gió hòa. Ðây là những nghi lễ tín ngưỡng phồn thực, cầu sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng tươi tốt... Một loại nghi lễ Then khác là Then chúc tụng, tức loại Then mang tính chất sinh hoạt sâu đậm nhất. Vào những dịp vui quan trọng của từng gia đình như vào nhà mới, mừng thọ, sinh con đầu lòng... nếu có điều kiện, gia chủ đều tổ chức những đám Then để hát mừng.

Trong những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã được khơi dậy, có nhiều khởi sắc. Từ các bản, làng vùng cao đến các xã, phường, thị trấn đều có các tổ, đội văn nghệ, có nhiều nghệ sĩ tham gia hát Then. Vì thế cứ vào các dịp lễ kỷ niệm, Tết, người dân ở khắp mọi nơi lại được nghe những làn điệu dân ca của bà con các dân tộc Tày, Nùng. Nhiều nghệ sĩ dân gian ở các vùng quê đã đem tiếng hát si, lượn và lời hát Then đến với các hội diễn, tham gia các tổ hội diễn văn nghệ quần chúng. Tiếng hát ấy, điệu Then ấy mãi mãi là tâm hồn của người xứ Lạng.