Toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca về ý chí bảo vệ độc lập, tự do

Cầu truyền hình "Sống mãi với Thủ đô"

NDO -

NDĐT - Tối 15-12, Thành phố Hà Nội đã thực hiện chương trình cầu truyền hình “Tiếng gọi của non sông” tại hai điểm cầu - hai địa danh lịch sử là Cột cờ Hà Nội và Chợ Đồng Xuân. Chương trình là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016).

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương 1 của chương trình với chủ đề "Lời hịch non sông".
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương 1 của chương trình với chủ đề "Lời hịch non sông".

Dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đông đảo lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội.

Cách đây 70 năm, vào tháng 12-1946, Thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng, liên tục gây hấn với dã tâm biến nước ta thành thuộc địa một lần nữa. Không thể để mất nước và nhân dân ta chìm trong nô lệ, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đáp lại lời hiệu triệu đó, thanh niên cả nước cùng toàn dân đứng lên giết giặc cứu nước, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do và chủ quyền của dân tộc ta. Tinh thần quật khởi của Ngày Toàn quốc kháng chiến luôn có ý nghĩa và sẽ mãi mãi là động lực tinh thần – ý chí quyết tâm chiến thắng đối với mỗi chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Chương trình cầu truyền hình đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô” đã làm sống lại những ký ức không thể nào quên về 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc kháng chiến chín năm, mà ở đó những chiến sĩ vệ quốc luôn giữ trọn lời thề “Sống mãi với Thủ đô”. Sự kiện lịch sử 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu được tái hiện ở hai điểm cầu: Cột cờ Hà Nội và Chợ Đồng Xuân, qua ba chương, với 14 đại kịch phục dựng. Dựa trên loại hình nghệ thuật kịch nói, những đại cảnh hoàng tráng của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm cùng những bản nhạc, các phóng sự “Trước giờ nổ súng”, “Bom ba càng” là sợi dây xuyên suốt thời gian hai tiếng đồng hồ diễn ra cầu truyền hình. Với tinh thần biểu đạt, lan tỏa cảm xúc đến khán giả nhanh và hiệu quả.

Chương trình đưa khán giả trở về những ngày tháng lịch sử của dân tộc qua những ca khúc đi cùng năm tháng như “Người Hà Nội”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Người Hà Nội”, “Đoàn vệ quốc quân”, “Cảm tử quân”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”...với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như NSƯT Quốc Hưng, Lan Anh, Trọng Tấn, Hoàng Quý...

Bên cạnh đó, chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Đạo - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nguyễn Thị Bích Thuận – Cán bộ phụ trách Hội Phụ nữ cứu quốc Liên khu II, bà Vũ Thị Nhâm – Nguyên chiến sĩ vệ út Trung đoàn Thủ đô... khiến khán giả hiểu hơn về giá trị lịch sử những ngày Toàn quốc kháng chiến.

Cầu truyền hình "Sống mãi với Thủ đô" ảnh 1

Nhân chứng lịch sử chia sẻ những ngày tháng hào hùng trong 60 ngày đêm Hà Nội.