Cầu treo không biết "sập, đứt cáp" lúc nào

Hệ thống cầu treo, cầu tạm được xây dựng chủ yếu trên các tuyến đường giao thông nông thôn ở các huyện, xã, thôn, bản và thường bắc qua địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu hoặc địa hình bị sông, suối chia cắt. Theo bạn đọc phản ánh, một số cầu treo, cầu tạm tại một số địa phương, qua sử dụng nhiều năm đã bị nghiêng, hư hỏng nặng. Nhiều cầu chưa được kiểm định, bảo dưỡng, trạng thái khai thác tạm thời, cho nên không biết sẽ "sập, đứt cáp" lúc nào?

Cầu treo cụm xã Tả Van, Thầu Thào, Sử Pán huyện Sa Pa (Lào Cai) không có biển hướng dẫn trọng tải, cảnh báo nguy hiểm.
Cầu treo cụm xã Tả Van, Thầu Thào, Sử Pán huyện Sa Pa (Lào Cai) không có biển hướng dẫn trọng tải, cảnh báo nguy hiểm.

Đi theo tuyến đường ĐT 152, huyện Sa Pa (Lào Cai), có nhiều đoàn khách người nước ngoài đến tham quan, du lịch các bản người Mông, người Giáy ở các xã Tả Van, Thầu Thào, Sử Pán, thuộc huyện Sa Pa. Các xã nêu trên vừa mới tổ chức Lễ hội xuống đồng, mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, thu hút khá đông khách ngoại quốc du lịch theo mô hình "Lưu trú, ăn uống, sinh hoạt cùng gia chủ" trong các thôn, bản. Du khách bắt buộc phải đi qua cầu treo xã Tả Van bắc qua suối Mường Hoa lô nhô những tảng đá cuội lớn. Tại hai đầu chiếc cầu này, đều không có biển chỉ dẫn trọng tải. Trông bề ngoài, chiếc cầu này khá chắc chắn vì cọc neo cáp được đổ bê-tông cố định, cáp được bôi mỡ bảo dưỡng. Nhìn sang phía bên kia cầu, tôi thấy một chiếc xe con loại bảy chỗ ngồi đang từ từ tiến qua cầu cùng với rất nhiều khách du lịch đi bộ phía sau xe. Mặt cầu bỗng rùng rình, bập bềnh trông thật ái ngại về sự an toàn. Cách cầu treo Tả Van chỉ vài chục mét là một chiếc cầu được làm bằng sợi dây mây với hai đầu chịu lực buộc chặt vào thân một cây xanh rất to bên suối Mường Hoa. Chiếc cầu này có từ lâu, dân ở đây quen gọi là cầu Mây. Gần đây, một hộ dân làm du lịch ở xã Tả Van đã đầu tư phục hồi cầu Mây để khách du lịch thích mạo hiểm đi chơi, chụp ảnh lưu niệm. Tôi thấy một vài bạn trẻ đang vịn dây lan can đi trên cầu Mây. Mới bước vài bước chân trên cầu, họ nói: "không an toàn đâu", thế là cả nhóm nhốn nháo quay lại phía đầu cầu... Tìm hiểu được biết, tỉnh Lào Cai hiện có 96 cầu treo. Nhiều cầu đã bị nghiêng, dầm thép, tôn lát mặt cầu bị hoen gỉ, cần phải sửa chữa mới đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn. Thí dụ như cầu treo Bến Cóc ở xã Việt Tiến, cầu treo Khuẩy Vèng thuộc xã Vĩnh Yên, cầu treo Nà Uốt tại xã Nghĩa Đô (thuộc huyện Bảo Yên). Số cầu hư hỏng nhẹ, bong bật ván lát mặt cũng có rất nhiều như cầu treo thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải; cầu treo Sín Chải ở xã Tả Giàng Phình (huyện Sa Pa); cầu treo Nậm Khánh ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà.

Hình ảnh cầu treo, cầu tạm cũng khá thân thiện với người dân miền trung vì nó xuất phát từ nhu cầu đi lại và mở rộng giao lưu hàng hóa. Nhưng nhiều cầu treo, cầu tạm ở Quảng Ngãi cũng đang "treo" những hiểm họa khôn lường. Thí dụ, cầu treo bắc qua sông Re thuộc xã Ba Ngạc, huyện miền núi Ba Tơ đã bị xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay không được sửa chữa, khắc phục. Toàn bộ hệ thống ván lát ngang bằng gỗ bị mục gãy, để lộ những khoảng trống trông rõ dòng sông, còn cáp treo thì hoen gỉ nhiều đoạn. Một số người dân trong xã Ba Ngạc cho biết, buổi tối nhập nhoạng, cầu không có đèn, cho nên một số người tham gia giao thông sơ suất bị tụt xuống lỗ hổng trên mặt cầu này. Nguy hiểm là thế, nhưng hàng trăm người dân địa phương, thương lái, học sinh đi học vẫn phải qua cầu. Hoặc chiếc cầu treo làng Chai bắc qua suối Si, nối với quốc lộ 24 cũng bị bong gần hết số ván lát mặt cầu, dầm ngang, đà dọc bằng sắt hoen gỉ sâu. Nhiều chỗ phải dùng gỗ tạp, dây thép để bó, chắp vá. Ông Phạm Văn Trung là người làng Chai nói: Ai cũng sợ khi đi qua cầu treo của làng. Mùa mưa lũ còn sợ hơn vì sóng to, nước chảy xiết. Nhiều người dân mong muốn cầu treo làng Chai sớm được các cấp, ngành trong tỉnh và huyện Ba Tơ sửa chữa hoặc làm cầu mới cho dân đi lại.

Đối với các địa phương miền núi, để xây dựng một cây cầu bê-tông kiên cố phải đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chủ yếu trông vào Trung ương. Còn xây dựng cầu treo, theo tính toán của một số cán bộ ngành giao thông vận tải Lào Cai thì chỉ bỏ ra một khoản kinh phí 10 triệu đồng/mét dài là có cầu. Ưu điểm của cầu treo là kinh phí đầu tư ít, thời gian thi công ngắn, đáp ứng luôn nhu cầu của người dân. Nhưng hạn chế của cầu treo là trọng tải thấp.

Theo biển hướng dẫn tại nhiều cầu treo ở một số địa phương, mức trọng tải chỉ được thiết kế nhỏ hơn 2,5 tấn, chiều rộng từ 2 m đến 3 m để xe con hoặc xe tải nhẹ tham gia giao thông; hoặc tải trọng nhỏ hơn 1,5 tấn với chiều rộng từ 1,2 m đến 2 m dành cho người đi bộ và xe thô sơ.

Không thể phủ nhận lợi ích của cầu treo phục vụ đời sống dân sinh, nhưng điều đáng nói là quản lý đầu tư, quản lý chất lượng và việc duy tu, bảo dưỡng cầu treo tại nhiều địa phương còn bất cập. Trước tiên là trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng; có nơi tỉnh giao cho huyện quản lý, huyện lại giao cho xã. Một số xã, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc thì lại giao khoán cho một số người dân, cho nên việc duy tu, bảo dưỡng không thường xuyên, có nơi còn đổ lỗi cho tỉnh, huyện không quan tâm đầu tư kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Thứ hai là ngành chức năng các địa phương chưa kiểm định được chất lượng an toàn chịu lực của hầu hết các cầu treo. Thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ việc kiểm soát những sai sót trong khảo sát, thiết kế; hoặc để mặc một số nhà thầu thi công không tuân thủ các quy chuẩn trong xây dựng, thi công xong không treo biển hướng dẫn tải trọng cầu. Bên cạnh đó, một số xã được giao nhiệm vụ quản lý cầu treo trên địa bàn cũng chưa làm hết trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng. Do vậy, hệ thống cầu treo trên phạm vi cả nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an toàn thậm chí không biết sẽ "sập, đứt cáp" lúc nào?

Các địa phương đang tích cực tổng kiểm tra nhiều công trình cầu treo giao thông nông thôn. Kiểm tra cần nhất là tránh bệnh hình thức; phải chú trọng rà soát cả hồ sơ khảo sát, thiết kế từng cây cầu, kết hợp tổ chức kiểm định độ an toàn chịu lực; kiểm tra việc chấp hành duy tu, bảo dưỡng, bảo trì theo đúng tinh thần Nghị định 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bảo trì trong xây dựng các công trình, mới bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn.

Kiểm tra chặt ba khâu then chốt

Việc kiểm tra chất lượng cầu treo là rất cấp thiết và nên tập trung vào ba khâu then chốt đó là: kiểm tra các cóc cáp, bi li đỉnh cột, bu li treo; kiểm tra quang treo và kiểm tra ván, tôn lát mặt cầu cùng hệ thống dầm dọc, dầm ngang. Đối với các cầu treo bị nghiêng, hư hỏng nặng, nhẹ và một số cầu treo đã có thời gian sử dụng từ 10 năm đến 15 năm, thì các địa phương cần sớm xem xét cấp kinh phí sửa chữa, gia cố toàn bộ cầu hư hỏng.

Hồng Giang

(Cục Đường sắt Việt Nam)

Xử lý nghiêm sai phạm trong bảo trì

Hệ thống cầu treo trên phạm vi cả nước xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông có một phần nguyên nhân là do công tác bảo trì chưa thực hiện nghiêm túc. Tại một số huyện như Tuần Giáo (Điện Biên) có 17 chiếc cầu treo dân sinh thiết kế theo mẫu của Sở Giao thông vận tải tỉnh và huyện đầu tư kinh phí xây dựng. Việc quản lý cầu treo được huyện giao cho các xã. Cán bộ một số xã trên địa bàn huyện có trình độ chuyên môn hạn chế lại phải kiêm nhiệm nhiều việc, cho nên chỉ khi nào tỉnh, huyện yêu cầu kiểm tra mức độ an toàn cầu treo thì mới làm. Do vậy, trong đợt tổng kiểm tra những công trình cầu treo mà các địa phương đang triển khai thực hiện cần phải xử lý nghiêm những sai phạm về bảo trì công trình xây dựng theo đúng Nghị định 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Xuân Đường

(Điện Biên)

Có thể bạn quan tâm