Câu chuyện về Lửa thiêng của nhà thơ Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận làm việc tại nhà 24 - Điện Biên Phủ - Hà Nội.
Nhà thơ Huy Cận làm việc tại nhà 24 - Điện Biên Phủ - Hà Nội.

Trong cuộc gặp để hỏi chuyện nhà thơ, Huy Cận cho tôi xem một số tư liệu, bản nháp thơ và ảnh chụp hồi còn trẻ. Tấm ảnh chụp tháng 1-1941, sau khi in xong Lửa thiêng hai tháng (11-1940).

Ảnh còn đẹp, dáng người có những nét thư sinh. Huy Cận ngắm nghía rồi nói vui: "Thì ra có lúc mình cũng xinh giai". Thời kỳ ở Việt Bắc, trong bức ảnh mà anh vừa có được, Huy Cận to béo, vạm vỡ. Trong bức ảnh chụp chung của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch ngồi ở giữa, các vị bộ trưởng, thứ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Hiến, Phan Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Huy Cận đều có mặt. Huy Cận nói: "Những bức ảnh gợi cho mình nhớ nhiều đến những quãng đời đã qua. Và thường dễ có cảm xúc nuối tiếc và buồn".

Tôi nói: "Nói đến cảm xúc buồn có lẽ Lửa thiêng là buồn nhất. Tại sao hồi còn rất trẻ anh lại buồn đến thế". Huy Cận trả lời: "Mình buồn vì nhiều lẽ, không phải buồn vì không thành danh, buồn vì bế tắc hoặc chịu đựng nỗi khổ cá nhân. Mình đã giải thích điều này trong thơ. Hồi học Canh nông đã làm thơ, in xong thơ mới vào học. Mình làm thơ nhưng học không tồi. Khi thi vào đậu số 2, thi ra đậu số 5 và tôi đã trở thành kỹ sư. Tuy có người manh mối, nhưng chưa nghĩ đến chuyện vợ con. Đời sống cá nhân bảo đảm, lại là nhà thơ nổi tiếng. Với thiếu nữ mơ mộng thì mình là nhà thơ, với cô nào thích cao đẳng thì mình cũng là cao đẳng. Toàn bộ Đông Dương lúc này có khoảng 500 sinh viên cả Lào, Cam-pu-chia. Pháp cho học  bổng cũng khá. Gạo một tạ 5 đồng, lương sinh viên 25 đồng, ăn hết 8 đồng còn lại nuôi em. Nhà thơ vừa học vừa nuôi hai em đi học. Cá nhân tôi mọi chuyện đều tốt, phơi phới đi làm. Khi học trường làng, tỉnh, huyện tôi đều đứng đầu. Tôi thích văn, giỏi cả toán, thích khoa học và cho đến nay vẫn thích đọc sách khoa học. Không có gì cay cú cá nhân để mà buồn, thế mà sao cứ buồn rười rượi. Hoài Thanh bảo tôi là "người đã gợi dậy cái hồn buồn Đông Á... cái buồn tỏa từ đáy hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh". Xuân Diệu thì bảo "Huy Cận mang nỗi buồn của linh hồn trời đất". Nỗi buồn trong Lửa thiêng là cái buồn nhân thế cộng với nỗi buồn vũ trụ hòa hợp với nhau.

Tôi có ước mơ và mộng tới một sự nghiệp làm một cái gì cho văn học và triết học nước nhà. Tôi thích không gian mênh mông, xa vắng, thích văn chương, suy nghĩ về thế sự và kiếp người. Tất cả những chất liệu đó dễ vào trong tôi, bồi đắp tôi. Cảnh trời đất mênh mông, bát ngát, cuộc đời nhiều xót xa là cái gốc cho tôi cảm thương. Tôi là một sinh viên có lòng yêu quê hương đất nước và luôn biết đến truyền thống quê hương (một xã có phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh). Yêu quê hương đất nước, nhưng không tìm được ra lối thoát. Và tuổi trẻ cũng rất yêu cuộc sống, cuộc đời rất đáng sống nhưng càng yêu cuộc đời càng thấy bế tắc, xoáy sâu vào bế tắc. Sau này tôi thâu tóm lại trong mấy chữ: Yêu đời nhưng đau đời. Bài thơ Tràng giang mang rõ tâm trạng tôi lúc đó. Bài thơ có câu đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". Trời đất ngơ ngẩn với nhau, như Xuân Diệu nói. Nỗi nhớ, nỗi buồn  ở đây rõ ràng không gắn với tình cảm lứa đôi mà rộng hơn, sâu hơn. Tôi ngắt lời anh: "Và bây giờ thì Tràng giang đã là bài thơ được giảng trong nhà trường trung học phổ thông. Tuổi trẻ đều biết đến Tràng giang".

Nhân đây tôi  hỏi anh về quá trình sáng tác bài thơ.

Huy Cận nói: Tràng giang viết năm 1939, khi tôi ra Hà Nội lần thứ hai. Lần đầu năm 1935. Vào buổi chiều tôi thích đi chơi dọc sông Hồng quãng Nhật Tân. Tôi làm bài thơ Chiều trên sông gồm 12 câu lục bát. Những lần đi chơi sau càng thấy đẹp. Tôi nghĩ là phải làm một bài thơ hay hơn, sâu sắc hơn. Nhìn sông nước lúc này thấy xót xa như có một cái gì đang mất đi, phải chăng đó là hồn quê hương đất nước. Như anh biết đấy, bài thơ có hàng chục bản thảo và người viết khi làm xong cũng thấy tạm yên lòng. Viết về con sông lớn của đất nước là hệ trọng. Một số bạn khen là bài thơ tả cảnh đẹp "khen nhau như thế chẳng bằng phụ nhau". Đây là biểu hiện của cảm xúc, của tâm hồn. Tất cả hình ảnh cảm thụ được có thể có chỗ không luận lý, nhưng trực giác rất luận lý, rất tập trung. Mênh mông xa vắng nhưng rất tập trung:

Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Tất cả như dàn trải, song song, không gặp nhau nhưng vẫn gắn bó với nhau từ bên trong. Lòng người gặp cảnh, cảnh bộc lộ tình người. Một mình đơn chiếc giữa cảnh bát ngát đó, biết bao hình ảnh nói lên sự cô đơn: làng xa, tiếng chợ chiều, bến cô liêu, rồi bèo dạt trôi. Tất cả nói lên một chủ đề: một cảm hứng. Nhất Linh khi vào Nam viết tiểu thuyết lấy tên là "Bèo dạt" đã ghi câu thơ Huy Cận ở đầu trang sách Bèo dạt về đâu hàng nối hàng... Nỗi buồn cứ thế tiếp nối. Cả buổi chiều đang xuống giữa trời đất mênh mông như kiếp người trôi nổi.

Tuy nhiên ngoài hai tứ về đất trời xa vắng mênh mông và kiếp người trôi nổi còn tứ thứ ba quan trọng là lòng yêu quê hương đất nước.

Lúc này chiến tranh đã bùng nổ, đất nước đã nghèo khổ lại lâm vào tình trạng đau khổ. Yêu quê hương đất nước, sống giữa quê hương đất nước mà như cảm thấy bơ vơ như lạc lõng giữa đất trời. A-ra-gông cũng có một ý thơ trùng hợp với tôi "En étrange pays dans son pays lui même". Ý thơ hay lạ kỳ, ông ta ở ngay trên đất nước quê hương mình mà như cảm thấy ở đất khách quê người".

Tôi tiếp lời anh là để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, nhà thơ phải tìm đến một nghệ thuật thích hợp mang phong vị dân tộc. Riêng tôi cảm thấy một sự hài hòa từ bên trong cho đến nghệ thuật cấu trúc, ngôn từ. Bài thơ có chất cổ điển, vừa truyền thống vừa hiện đại. Huy Cận cười "cái này là việc làm của các anh. Và khi cần tôi sẽ nói thêm".

Tôi nói tiếp: "Anh cho biết thêm về những ý kiến bạn bè, dư luận người đọc khi bài thơ mới ra đời?". - "Có đấy, có chuyện đấy. Anh Trường-Chinh đặc biệt chú ý đến bài thơ. Anh bảo: "Tôi đọc bài thơ trên Ngày nay và khi Lửa thiêng ra đời, tôi tìm mua ngay. Đọc xong bài Tràng giang cứ thấy vấn vương mãi và mỗi lần đi qua bến đò Phú Thượng lại thấy trong lòng vang lên những câu thơ Tràng giang. Tôi thấy cảnh vật quê hương sao mà đẹp thế và tiếng Việt cũng rất đẹp và gợi cảm". Anh Trường-Chinh bảo đây là bài thơ của tình yêu quê hương đất nước. Có lần anh nói với một đồng chí cán bộ lãnh đạo khi đọc Tràng giang: "Nhà thơ này nhất định sẽ đến với cách mạng". Và đúng như thế, tôi đã đến với cách mạng trước đấy mấy năm. Khi gặp anh Trường-Chinh ở Đại hội Tân Trào, anh lại bảo: "Nhà thơ Huy Cận ngày xưa sao buồn thế?". Huy Cận trả lời là tuổi trẻ chưa tìm thấy hướng đi ngoài những trang sách. Ngày ngày đi học thấy cảnh vật diễn ra đều đều và có lúc ảm đạm. Đi xe đạp trên đường Ca-rô (Lý Thường Kiệt ngày nay), thấy nắng chiều chiếu trên những mảng tường cũ của tòa nhà Viễn Đông Bác Cổ mà quặn đau trong lòng. Anh Trường-Chinh ngạc nhiên hỏi: "Như thế kia à?". Rồi anh nói: "Mình hiểu các anh". Huy Cận nói thêm: Sau Cách mạng Tháng Tám tôi đã mất hẳn tâm trạng buồn ấy".

Hôm nay nói chuyện về anh về nỗi buồn trong Lửa thiêng. Lửa thiêng có nhiều niềm vui. Ngay cái tên Lửa thiêng đã gợi lên sức sống, sự linh thiêng của tạo vật. Trong Lửa thiêng có niềm vui, niềm vui tươi của sự sống trong đời, trong tạo vật và cũng chính của tác giả. Buồn là cái vui chưa tới. Bóng tối là ánh sáng bị chặn lại. Nỗi buồn không tuyệt đối. Niềm vui mới là tuyệt đối. Hôm sau chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về niềm vui trong Lửa thiêng.

(*) Ngày ghi 16-2-1979.