Cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhìn từ quy định về an toàn thực phẩm

Thực tiễn đã chứng minh, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước là nguyên nhân chính cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới tăng trưởng và sự phát triển của nền kinh tế,…
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến xúc-xích tại Công ty cổ phần DAESANG Đức Việt, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: ĐĂNG DUY)
Chế biến xúc-xích tại Công ty cổ phần DAESANG Đức Việt, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: ĐĂNG DUY)

Từ chuyện “ngày xưa”

Cách đây hơn 6 năm, vào cuối tháng 6/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cùng một số Hiệp hội ngành hàng tổ chức hội thảo với tiêu đề “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP”.

Tại hội thảo này, các chuyên gia và Hiệp hội ngành hàng đã trích dẫn Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 của Chính phủ và chỉ ra rằng, thực tế không ghi nhận bất cứ mối liên hệ nào giữa “tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể” với thực phẩm nhập khẩu chính ngạch và thực phẩm chế biến công nghiệp vốn có tiêu chuẩn rất cao mà không cần phải kiểm tra, giám sát.

Từ trước đó, Viện CIEM đã tổ chức một hội thảo về chủ đề tương tự. Đây là những nỗ lực của các cơ quan và tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tháo bỏ những hạn chế, bất cập trong việc quản lý hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thực phẩm của Việt Nam.

Theo Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về an toàn thực phẩm, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, động vật và thực phẩm thuộc diện Bộ Y tế quản lý có chỉ tiêu không đạt mức quy định lần lượt là 0,83%, 0,79% và 0,18%. Trong số này, không phải tất cả đều không đạt, mà một phần sau khi tái chế là đạt và được tiêu thụ bình thường, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Rõ ràng, hoạt động quản lý nhà nước theo các quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm là không hiệu quả, không tương xứng với mức độ tiêu tốn nguồn lực xã hội. Hơn thế nữa, những thủ tục quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP lại tập trung vào nhóm nguy cơ rất thấp đối với an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng và điều này cần thay đổi.

Đó chính là bối cảnh ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018, thay thế cho Nghị định 38/2012/NĐ-CP bởi những bất cập như đã nêu trên. Kể từ khi được ban hành và đưa vào thực hiện, Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực từ các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về sự tiến bộ trong cách tiếp cận của quản lý nhà nước. Những thay đổi căn bản của nghị định này bao gồm việc thay đổi trong tư duy quản lý cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro trong quản lý nhà nước.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ra đời đã cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm tiêu phí nguồn lực xã hội vô ích trên cơ sở lấy việc bảo đảm sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Việc quản lý dựa trên nguyên tắc hậu kiểm cũng giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Sau nhiều năm thực hiện, cho đến nay chúng ta vẫn chưa ghi nhận một nguồn rủi ro nào đến từ đối tượng điều chỉnh của nghị định này, cho thấy đây là một chính sách thành công.

Đến chuyện “ngày nay”

Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về bảo đảm an toàn, an ninh thực phẩm trong tình hình mới. Đến ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 426/QĐ-TTg về việc lập kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, trong đó nêu rõ sẽ rà soát sửa đổi lại Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 trong giai đoạn từ năm 2023-2025.

Theo tiến trình, khi có luật mới thay thế Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, Bộ Y tế sẽ phải xây dựng dự thảo thay thế Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ Bộ Y tế sẽ công bố dự thảo thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật nói trên trong tâm trạng vừa hy vọng vừa lo lắng. Hy vọng vào tinh thần đổi mới, những tiến bộ về chính sách và kết quả đã đạt được trong thực tiễn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP sẽ được truyền tải đầy đủ ngay trong những văn bản dự thảo đầu tiên.

Cụ thể là tư duy chuyển cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đề cao và khẳng định hiệu quả của việc doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm,… sẽ được luật hóa để tiếp tục kế thừa, phát huy. Hơn nữa, việc xây dựng các văn bản dự thảo này còn là cơ hội để giải quyết những vấn đề thực tiễn đã bộc lộ trong thời gian qua, như hoàn thiện và áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, thừa nhận và công nhận lẫn nhau nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước mà vẫn giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhưng ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp không khỏi lo lắng rằng có thể sẽ chứng kiến sự quay trở lại của Nghị định 38/2012/NĐ-CP trong các văn bản dự thảo của Bộ Y tế. Nếu như vậy sẽ là một bước thụt lùi về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tiễn đã chứng minh các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước là nguyên nhân gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế…

Cho nên, nhắc lại chuyện “ngày xưa” để nhớ lại những nỗ lực mà cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng đã thực hiện nhằm có được sự thay đổi theo hướng tích cực trong hơn 6 năm vừa qua. Và cũng để bày tỏ mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp rằng, “ngày nay” chúng ta sẽ không phải thực hiện lại những nỗ lực như đã làm trong giai đoạn 2016-2018 để giữ lại những tiến bộ đang có.

Trong giai đoạn năm 2016-2017, nguồn lực xã hội đã tiêu tốn để thực hiện các thủ tục quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu trong một năm là hơn 8,4 triệu ngày công và hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thủ tục đăng ký hợp quy và đăng ký cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm tiêu tốn của doanh nghiệp 5,4 triệu ngày công và 675 tỷ đồng; thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm là hơn 3 triệu ngày công và hơn 2,6 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Nghiên cứu của CIEM

về tác động của Nghị định 38/2012/NĐ-CP