Đây cũng là vấn đề quan tâm đặt ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đô thị có lượng phát thải lớn của Việt Nam. Đồng thời, chính quyền Thành phố đang thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết: Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế khác phù hợp với xu thế phát triển của các nước trên thế giới)”.
Đồng thời, thành phố cũng đang triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
“Chúng ta chưa có hệ thống trạm sạc và quy chuẩn cần thiết cho trạm sạc điện. Để từng bước tiến tới cải tiến phương tiện thì Thành phố Hồ Chí Minh rất cần có quy hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về hệ thống trạm sạc điện”, ông Bùi Hòa An chia sẻ.
Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Bách Khoa Hà Nội: Một trong những điều cần cân nhắc đầu tiên khi lập kế hoạch cho các trạm sạc xe điện là vị trí. Các trạm sạc thường quy hoạch, đặt tại các vị trí trọng điểm như: Cây xăng, trạm dừng nghỉ; chung cư, văn phòng; bãi đỗ xe; trung tâm thương mại; cơ quan, công sở, trường đại học, khu nghỉ dưỡng. Các trạm sạc cần chia sẻ thông tin với nhau và kết nối vận hành chung cùng một hệ thống.
Hệ thống trạm sạc điện cho xe buýt điện của Vinbus tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Nhóm nghiên cứu này cũng đưa ra nhận định: Có thể thu hút nhiều nhà đầu tư thông qua các cơ hội kinh doanh trạm sạc ô-tô điện hấp dẫn như: Khuyến khích tài chính và hỗ trợ pháp lý để phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện; giảm giá hoặc trợ cấp giá năng lượng trong vài năm đầu hoạt động; đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng, đặc biệt là ở các khu đô thị đông đúc để cung cấp khả năng tiếp cận thu phí cho người dân địa phương. Các thỏa thuận hợp tác, từ cho thuê trạm sạc và đồng sở hữu đến tính phí dựa trên đăng ký dưới dạng gói dịch vụ cho các đội phương tiện giao thông công cộng chạy điện.
Một số doanh nghiệp đầu tư, cung cấp trạm sạc điện đề nghị, thành phố cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật trạm sạc xe buýt điện nhằm hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật để các nhà đầu tư trạm sạc và xe buýt điện có thể sạc của nhau. Ưu tiên quy hoạch và mặt bằng để đặt các trạm sạc điện; sớm ban hành giá điện theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư,…
Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, lượng phương tiện cá nhân đang đóng vai trò chủ đạo, chiếm 90% nhu cầu đi lại của người dân. Điều này góp phần gây ô nhiễm đáng kể vào lượng phát thải nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí cao cho thành phố.
Để thúc đẩy phát triển xe điện, phát triển hạ tầng trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Để đạt được mục tiêu đưa vào vận hành xe buýt điện, thành phố cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng cung ứng nhiên liệu sạch, nguồn năng lượng cho xe buýt sử dụng năng lượng sạch và điện. Điều này đòi hỏi phải ban hành chính sách quản lý và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng hạ tầng trạm sạc.