Thiếu quy chuẩn cho trạm sạc xe điện ở chung cư

Xu thế phát triển xe điện ở Việt Nam đang dần hiện hữu với những điểm mạnh về giá thành tiêu hao nhiên liệu, thân thiện môi trường được nhiều người quan tâm. Nhưng an toàn cháy nổ của các trạm sạc cho xe điện, nhất là ở các khu chung cư cũng khiến không ít người lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống sạc tiêu chuẩn châu Âu được lắp đặt tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội.
Hệ thống sạc tiêu chuẩn châu Âu được lắp đặt tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều nhưng chưa đủ

Xe điện hiện vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, có lẽ vì vậy nên chưa có nhiều quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với trụ sạc, trạm sạc điện, nhất là các trụ sạc, trạm sạc tại khu chung cư. Thống kê từ Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại thời điểm năm 2021, cả nước có 39 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) áp dụng cho xe điện. Trong đó chủ yếu là quy chuẩn cho động cơ, ắc-quy, pin của xe điện nói chung, thiếu những tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng về pin, về thời gian sạc hay về các hệ thống điều khiển trong xe điện trong thời gian gần đây.

Đối với hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN), hiện chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện và chưa có quy chuẩn cho ô-tô điện. Về hạ tầng trạm sạc, đã có một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc, an toàn về điện, phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng còn thiếu các quy chuẩn về lắp đặt, vận hành và đo lường điện năng tại trạm sạc.

Về cơ bản, các trạm sạc ô-tô điện hiện nay hoạt động dựa trên TCVN 13078:2020, bao gồm các tiêu chuẩn về kết nối xe điện với nguồn cấp điện xoay chiều/một chiều, trạm sạc điện một chiều, yêu cầu tương thích điện từ của bộ sạc lắp trên xe điện. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC 61851. Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) đặt ra các quy định về đặc điểm và điều kiện vận hành của thiết bị sạc, kết nối giữa thiết bị sạc và xe điện, yêu cầu an toàn điện đối với thiết bị sạc. Ngoài ra, IEC cũng đặt ra các yêu cầu bổ sung cho trạm sạc, thiết bị sạc tại môi trường đặc thù như khu vực nguy hiểm, dễ cháy nổ, lắp đặt ở độ cao hơn 2.000m, thiết bị sạc trên tàu cao tốc...

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Rõ ràng, các tiêu chuẩn trên thiếu những đánh giá tác động khi lắp trạm sạc đến điện lưới vận hành của tòa nhà, chung cư. Thông thường, thiết kế lưới điện của các chung cư, tòa nhà chỉ đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân sống trong đó. Nghĩa là các trạm sạc phát sinh này có thể gây thêm áp lực lên điện lưới tòa nhà, khiến điện lưới có thể không đáp ứng được, tạo ra các vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy.

Điều này dẫn đến những nghi ngại không chỉ cho cư dân tòa nhà, mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển xe điện. Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho biết: Trước khi lắp đặt trạm sạc tại hầm để xe các tòa chung cư, phía công ty đều phải khảo sát hạ tầng điện lưới xem có đáp ứng được công suất hay không. Nếu được thì trạm sạc sẽ sử dụng điện lưới ở đó. Còn không, VinFast sẽ làm việc với Công ty điện lực địa phương để kéo đường điện riêng bảo đảm an toàn mạng lưới điện.

Hơn nữa, thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn có thể kéo theo “lỗ hổng” quản lý khi lắp đặt các trạm sạc này. Vì theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, trạm sạc xe điện không thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Nhưng khi lắp đặt các trạm sạc xe điện trong tầng hầm để xe của công trình thuộc diện cần thẩm duyệt thiết kế về PCCC mà làm ảnh hưởng đến các điều kiện về an toàn PCCC của công trình như làm thay đổi đường, lối thoát nạn; thay đổi giải pháp ngăn cháy; thay đổi về hệ thống PCCC... thì phải thẩm duyệt điều chỉnh, cải tạo cho công trình. Việc thẩm duyệt và nghiệm thu được thực hiện theo các quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Theo đề án phát triển “xanh” của Chính phủ, xe điện là “trụ cột” của sự di chuyển bền vững trong đô thị. Để khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng xe điện, cần tạo ra một môi trường thuận lợi, nhất là hệ thống hạ tầng trạm sạc. Do đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nhà chung cư cao tầng sau này có hạng mục lắp đặt trạm sạc xe điện thì buộc phải đưa vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và tiến hành thẩm định, phê duyệt trước khi thi công. Có như vậy thì việc hoàn thiện hạ tầng trạm sạc cho xe điện mới đồng bộ, phát triển bền vững và bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.

Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Anh vừa ban hành tài liệu hướng dẫn Phòng cháy chữa cháy cho các trạm sạc pin xe điện. Theo đó, vị trí tốt nhất để xây trụ sạc pin ô-tô điện là ở tầng 1, cách xa các tài sản có giá trị hoặc các vật liệu dễ cháy, như nơi chứa khí gas hóa lỏng (LPG) hay nơi tập kết rác thải, và là nơi xe chữa cháy dễ dàng ra vào. Nếu phải lắp trụ sạc pin ô-tô điện bên trong tòa nhà cao tầng thì nên chọn vị trí trên mái hoặc gần tầng 1, thoáng gió hai bên. Lắp đặt trụ sạc trong không gian kín là giải pháp bất đắc dĩ, và khi đó, cần có hệ thống vòi phun mưa và thông gió tốc độ cao ở bên trên xe. Phải chọn vị trí cách xa cửa ra vào, cầu thang hoặc lối thoát hiểm để lắp trụ sạc pin.