Cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2022 cho người thuộc diện chuẩn nghèo mới

NDO -

Ngày 21/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 4242/BHXH-TST gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 (Nghị định số 07) của Chính phủ.

Khám, chữa bệnh cho trẻ em vùng khó khăn tại bệnh viện đa khoa huyện Đắk G’long, Đắk Nông. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)
Khám, chữa bệnh cho trẻ em vùng khó khăn tại bệnh viện đa khoa huyện Đắk G’long, Đắk Nông. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)

Theo Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 900 nghìn đồng/người/tháng.

Giai đoạn 2022-2025, chuẩn nghèo đa chiều thực hiện theo tiêu chí thu nhập là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Để người dân được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo Nghị định số 07 kịp thời, đúng quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo một số nội dung sau:

Thứ nhất, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện triển khai việc rà soát, kịp thời lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chuyển cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế kể từ ngày 01/01/2022 theo quy định.

Thứ hai, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về Nghị định số 07. Đặc biệt là người thuộc hộ gia đình nghèo tiếp cận đa chiều theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg trước kia được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, nay không được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP để người dân hiểu, chủ động tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nghèo đa chiều và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn.

Trong những năm qua, việc tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị-xã hội.

Trong đó, sự tăng nhanh về tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đã phần nào khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng, Nhà nước.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,964 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,85% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng giao là 0,15%, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ hơn 91% dân số.