Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2020, định hướng hoạt động năm 2021; góp ý một số nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đánh giá một năm triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, tổng kết hoạt động phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và định hướng mười năm tiếp theo; trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ và quản lý các tài sản trí tuệ gắn với địa danh…
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2020, cục đã cấp 48.072 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, tăng 18% so với năm 2019. Trong đó, có 4.597 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; 2.066 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 33.700 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia; 7.688 đăng ký quốc tế nhãn hiệu và 21 chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên hỗ trợ công tác phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2020, 42 tỉnh, thành phố đã ban hành Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ; 1.148 sản phẩm OCOP được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và Cục đã cấp 256 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 19 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù địa phương; 279 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp.
Trên cơ sở nội dung Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, theo Quyết định 1068/QĐ-TTg, ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, hội nghị đưa ra bảy nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay.