Cấp bách ứng phó biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Ở trong nước, biến đổi khí hậu sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Từ đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, tuy nhiên, các địa phương trong vùng, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng từ tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng ngập úng tại Thành phố Hồ Chí Minh do triều cường diễn ra ngày càng trầm trọng. Nhiều khu vực của địa phương này không chỉ ngập úng trong mùa mưa mà còn xảy ra quanh năm, nhất là mỗi khi triều cường. Ðáng báo động là tình trạng lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, năm sau cao hơn năm trước.

Tình trạng nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm và cạn kiệt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Kèm theo đó là nền nhiệt tăng theo từng năm, gây ô nhiễm không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà cả toàn vùng.

Là đô thị vùng sông nước, thành phố nằm trên vùng đất thấp với hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch dày đặc với gần 8.000 km chiều dài, bao phủ 16% diện tích thành phố. Thành phố đang chịu áp lực từ gia tăng dân số với khoảng mười triệu người, và các áp lực từ quá trình đô thị hóa, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giao thông...

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thành phố Hồ Chí Minh là một trong mười thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Dự báo đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là 75 cm. Khi đó, hơn 200 km2, chiếm 10% diện tích của thành phố bị ngập; đến năm 2100 sẽ có 472 km2, chiếm 23% diện tích của địa phương này sẽ bị chìm trong nước biển.

Trước những thách thức nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh xem việc ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Theo đó, thành phố tăng cường công tác quản lý để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; nghiên cứu giải pháp liên kết vùng để ứng phó biến đổi khí hậu.

Thành phố đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ trong việc xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về khí hậu, thủy văn, tài nguyên môi trường, phục vụ việc giám sát, dự báo, cảnh báo, đề xuất giải pháp ứng phó, thúc đẩy hợp tác quốc tế để nhận được hỗ trợ về công nghệ, tài chính, con người.

Bên cạnh những giải pháp như tăng cường năng lực và thể chế chính sách; nâng cao năng lực khoa học-công nghệ trong bảo vệ môi trường; tăng cường nguồn lực tài chính; tuyên truyền, giáo dục… để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế các-bon thấp.

Sự ra đời của Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mang đến nhiều kỳ vọng cho thành phố trong việc hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Trong đó có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Theo các chuyên gia: Thành phố nên cân nhắc thành lập một cơ quan chuyên trách có vai trò phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp luật tại Việt Nam về thị trường mua bán phát thải các-bon.

Cơ quan này cũng làm đầu mối hỗ trợ phát triển sáng kiến hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, tìm kiếm, triển khai các dự án khả thi cho lộ trình “Net Zero” của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung