Trong phiên hôm qua, giá cao-su nhận được hỗ trợ quan trọng từ thông tin Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu cao-su lớn nhất thế giới có tín hiệu tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để phục hồi kinh tế.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, nước này có kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho tiêu dùng vào năm tới bằng cách tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm y tế cho người dân, đồng thời mở rộng chương trình đổi hàng tiêu dùng. Thêm vào đó, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý phát hành 3.000 tỷ nhân dân tệ (411 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm tới, nhằm tăng cường kích thích tài chính để phục hồi nền kinh tế đang suy yếu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị ứng phó tác động từ việc tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025.
Trước đó, Trung Quốc đã tích cực thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và tiền tệ để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Thông tin này đã tác động tích cực lên tâm lý của thị trường về triển vọng tiêu thụ cao-su của quốc gia tỷ dân, từ đó giữ giá cao-su neo tại mức cao trong những tháng cuối năm 2024.
Cùng với các chính sách kinh tế, ngành công nghiệp ô-tô, hoạt động tiêu thụ cao-su trọng điểm của quốc gia này cũng có những khởi sắc, tạo thêm niềm tin về sự gia tăng nhu cầu trong thời gian tới.
Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô-tô Trung Quốc cho biết, trong tháng 11 sản lượng và doanh số bán xe ô-tô tại Trung Quốc lần lượt đạt 3,43 triệu chiếc và 3,31 triệu chiếc, tăng 14,7% và 8,6% so tháng trước, đồng thời tăng 11,1% và 11,7% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, sản lượng và doanh số bán xe ô-tô tại Trung Quốc lần lượt đạt 27,9 triệu chiếc và 27,94 triệu chiếc, tăng 2,9% và 3,7% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn 1,1 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm so mức được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10.
Về phía cung, thị trường vẫn còn nhiều lo ngại về tình hình nguồn cung cao-su tại các quốc gia sản xuất chính. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao-su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao-su tự nhiên toàn cầu trong tháng 11 đạt khoảng hơn 1,4 triệu tấn, tăng 3,7% so tháng trước nhưng lại giảm 1,1% so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 11 tháng đầu năm, sản lượng cao-su tự nhiên toàn cầu ước tính tăng 2,3% lên 12,7 triệu tấn.
Ở chiều ngược lại, tiêu thụ cao-su tự nhiên trong tháng 11 đạt hơn 1,27 triệu tấn, giảm 1,4% so tháng trước nhưng tăng 2,5% so cùng kỳ. Qua đó đưa tổng tiêu thụ cao-su toàn cầu giảm 2,8% trong 11 tháng, xuống còn hơn 13,5 triệu tấn.
Mặc dù tăng trưởng sản xuất cao hơn so với tăng trưởng tiêu thụ nhưng với dự báo này sản lượng toàn cầu vẫn thiếu hụt khoảng 841.000 tấn so với tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 15 ngày đầu tháng 12, khối lượng xuất khẩu cao-su của nước ta đạt hơn 115.300 tấn, giảm 13% về lượng nhưng tăng 18% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế từ đầu năm tới ngày 15/12, tổng khối lượng xuất khẩu cao-su của Việt Nam là 1,89 triệu tấn, giảm 6% về lượng nhưng tăng 17% về giá trị so cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng giá trị xuất khẩu là nhờ giá xuất khẩu cao-su trung bình tăng mạnh so với năm ngoái.
Trong đó, giá xuất khẩu cao-su sang thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Tháng 11/2024, giá bình quân cao-su xuất khẩu sang thị trường này đạt 1.905 USD/tấn, tăng 40% so tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, giá bình quân cao-su xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1.653 USD/tấn, tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước.