Làm chủ đại lý chuyên thu mua tiêu, điều ở xã Ia Nan, vợ chồng chị Lành lại “tiêu điều” vì nước. Hơn 3 tháng qua là mùa cao điểm, vựa thu mua của chị có mươi nhân công làm việc liên tục; từ thu gom, phân loại, vác bao tải đưa lên xe vận chuyển đi tiêu thụ. Mỗi ngày, chị thu mua từ 15-20 tấn tiêu, điều. Nay vãn mùa, mỗi ngày cũng tập kết được gần mươi tấn. Cả kho bãi màu xám của mủ điều bám lâu năm lẫn bụi đất đỏ của xứ cao nguyên tỉnh Gia Lai.
1 ký điều đổi 2 thùng nước
Từ Tết đến nay, hệ thống nước sạch của thôn ngừng hoạt động vì không có nước. Nước giếng đục ngầu như mủ điều, pha lẫn đất đỏ nay cũng dần cạn kiệt. Nước sạch không còn, nước giếng cạn, những công nhân của chị Lành tắm suối hằng ngày. Hơn tháng, đến nay suối cũng cạn khô.
Nước bình loại 10 lít ngoài xã được chở vào thôn bán cho bà con, chị Lành mua trữ trong 3 bồn i-nox lớn để dành nấu ăn, lo cho anh em công nhân. Hơn 20 nghìn đồng mỗi ký điều, vợ chồng chị lành đổi được hai thùng nước. Nước bình cũng có hạn, chị Lành chưa biết sẽ thế nào nếu thùng nước cuối cùng cũng cạn trong nay mai.
“Em thu mua mì, tiêu, điều nhưng nói tới nước thì khổ lắm. Ở đây không thiếu gì, chỉ thiếu nước. Nhà nào cũng có bồn nhưng làm gì có nước mà trữ. Điều thì nhiều nước thì không có, tốn mấy cũng lấy điều đổi nước”.
Từ ngõ bước vào bên hông nhà chị, thùng chứa nước đen ngòm. Bên trong, vài con lăng quăng búng trên mặt nước. Vác xong bao điều lên xe, anh Kpăv Thun thò tay vào thùng nước rửa tay, mặt nhăn nhúm. “Bọn em lính lác làm vất vả ngày đêm không có nước dùng. Nước trong thùng này tận dụng dùng để rửa tay cả tuần nay, hôi bẩn chắc bệnh hết thôi”.
Thùng nước thải được anh Kpăv Thun cùng anh em công nhân tận dụng rửa tay hơn tuần qua. |
Mấy tháng qua, bà con nhân dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan khốn khổ vì không có nước. Hồi tết, nước sạch từ hệ thống ống về không bảo đảm vệ sinh nên người dân chỉ xài tạm. Giá mua 8 nghìn một khối nước nhưng không uống được, nay nguồn nước này cũng không còn. Công trình nước sạch của thôn nằm trong góc rừng cao-su. Trụ sắt kiên cố cao hơn 20m, phía trên là bồn chứa nước lớn. Nước giếng khoan bơm lên bồn, hệ thống ống dẫn của bồn sẽ đưa nước về các cụm dân cư. 3 tháng qua, công trình nước này cũng chỏng chơ vì giếng khô, nắng hạn.
Công trình nước sạch của thôn Đức Hưng nằm trong góc rừng cao su. Ba tháng qua, công trình nước chỏng chơ vì giếng khô, nắng hạn. |
Thôn Đức Hưng có 215 hộ, trước sân nhà nào cũng chồng chất can nhựa, bình rỗng chờ đổi bình nước mới. Bể chứa, bồn i-nox quanh nhà trong tình trạng chờ mưa. Từ trưa đến chiều, đàn ông trong thôn lại loay hoay, sốt ruột việc… nước.
Trước sân nhà anh Phạm Văn Mừng, 12 bình nhựa sắp lớp chờ xe bán nước đến đổi. Bể chứa của gia đình bỏ trống hơn hai tháng qua, gia đình anh phải mua nước bình để nấu ăn, uống tạm. Mọi sinh hoạt trong nhà đảo lộn mấy tháng nay khi cả vùng này cạn kiệt nguồn nước. Anh Mừng cho biết, cả chục năm nay cứ mùa khô là vùng biên giới thiếu nước; mấy năm trước nước tưới đỡ hơn, năm nay khô hạn kéo dài 6 tháng không có trận mưa nào. “6 tháng mùa khô năm nào cũng vất vả. Nhiều khi phải chở nước ao, hồ trên rẫy về dùng tạm, đem quần áo lên nương rẫy để giặt giũ, sinh hoạt”.
Anh Phạm Văn Mừng cùng anh em trong thôn chuyển bình đến cửa hàng chờ đổi bình nước mới. |
Mươi năm qua giếng khô, suối cạn
Cái nắng qua trưa gay gắt không làm cho ông Đào Văn Công, Phó trưởng thôn Đức Hưng mệt bằng tiếng than của bà con về chuyện nước. 20 năm trước ở thôn Đức Hưng cứ 2 nhà đào một giếng dùng chung. Sau vài năm, hàng trăm giếng đào lần lượt bỏ hoang vì khô cạn.
Phía sau nhà chị Trần Thị Tuyến, giếng nước của gia đình đào 25 năm trước bỏ hoang hơn chục năm. Thành giếng vỡ một góc, nền bê tông chung quanh hư hỏng. Giếng sâu hơn 50m, còn ít nước đọng nơi đáy giếng đen bẩn, nổi bọt.
Cả nhà chị Tuyến nhiều năm qua dùng nước từ hệ thống nước sạch của xã nhưng đến mùa khô lại khốn khổ. “Giếng nhà cạn nên bỏ hoang hơn mười năm rồi. Mấy tháng nay không có nước phải đi tắm nhờ nhà ngoại. Khổ quá”, chị Tuyến lắc đầu bỏ đi vào nhà.
Giếng nước gia đình chị Trần Thị Tuyến bỏ hoang hơn mười năm qua vì khô hạn. |
Ông Phó trưởng thôn Đức Hưng thở dài kể, chung quanh xã là rừng cao-su, điều, cứ chỗ nào có nguồn nước thì đào cho dân và chủ rừng cao su cũng không cản. Mấy năm qua, Nhà nước đào giếng nước cho dân, bà con góp tiền, cùng nhau tìm mạch nguồn kiếm nước. Mỗi năm, người dân xã Ia Nan đào thêm giếng độ sâu từ 50-100m. Cứ dùng hai năm lại hết nước, lại khoan giếng khác. Đi quanh rừng cao su gần Ủy ban nhân dân xã, ông Công đến cái giếng duy nhất còn nước của thôn. Giếng đào mười mấy năm trước sâu hơn 100m vẫn còn nước nhưng bùn lấp đầy. Xã và thôn huy động thanh niên sục bùn lên hết mới có chút nước cho bà con. “Sục bùn rồi nước cứ đục ngầu nửa tháng, nước đục cứ như nước gạo ấy nhưng giờ không có thì dùng tạm nước đục. Mấy cái giếng mới đào năm ngoái thì lại hết không còn nước nữa. Dân khổ, mình cũng khổ vì kêu réo suốt mà”, ông Công thở dài.
Mấy tháng trước khi hết nước sạch, bà con gồng gánh nhau ra suối Ia Nan mang nước về dùng, cũng chật vật qua được hơn tháng. Nay thì suối Ia Nan trơ đáy. Toàn tuyến suối đi qua các thôn, cầu cống đầy rác thay cho nước.
Suối Ia Nan đầy rác thải và khô cạn nhiều tháng liền. |
Tại huyện Đức Cơ, tình hình hạn hán xảy ra ở các xã, nhất là vùng biên giới, ngày càng trầm trọng. Thống kê sơ bộ, ở các xã Ia Lang, Ia Krêl, Ia Dom và Ia Nan bị thiếu nước nghiêm trọng. Gần 60 ha lúa, cà-phê của hơn 100 hộ dân bị thiếu nước, có nơi cây trồng bị thiệt hại 50-70%.
Trên địa bàn huyện, 3 công trình giếng khoan tại thôn Đức Hưng, xã Ia Nan khô cạn. Xã đã bố trí 25 triệu đồng để nạo vét giếng nhưng không đủ nước cung cấp cho nhân dân. Ở vùng biên giới này, mùa mưa nước dâng lên nhanh nhưng mùa khô nước rút rất nhanh. Vì vậy, hằng năm chính quyền địa phương khuyến cáo với bà con gieo trồng sớm, đến khoảng tháng 2, tháng 3 giao thời giữa mùa khô và mùa mưa tập trung thu hoạch vì nước rút nhanh.
Đồng chí Trần Xuân Nghiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Nan cho biết, xã khuyến khích bà con dùng xe bồn, công nông tìm nước, chuyển nước. Xã cùng làm việc với Công ty TNHH MTV 72, thuộc Binh đoàn 15 tạo điều kiện dùng xe bồn chở nước cho dân.
“Tình trạng này thì nước giếng nhà dân, sông suối khô cạn. Dự báo 15-20 ngày nữa không mưa thì chắc chắn càng khó. Xã, huyện cũng đang tìm nhiều biện pháp, kêu gọi các nhà hảo tâm đầu tư lại các hồ và sử dụng bể nước lọc để bơm nước cho dân”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Nan lo lắng.
Nhiều diện tích cà phê vùng biên giới bắt đầu héo rũ vì không còn nước tưới. |
Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ Nguyễn Quốc Tư đề nghị các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình hạn hán tại các cánh đồng, chủ động nạo vét ao, hồ giếng nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, thống kê diện tích bị thiếu nước, thiệt hại báo cáo ngành chức năng để có biện pháp xử lý.
“Làm sao phải có giải pháp lâu dài cho bà con, có nguồn nước sinh hoạt thì cuộc sống mới ổn định được. Thiếu nước thì ở cũng không được, chứ nói gì làm ăn sinh sống. Đất ở đây thì tốt nhưng nguồn nước khó quá”, tiếng thở dài của những người đàn ông vùng biên giới cùng sự mong chờ bao năm qua.