Vụ lúa đông xuân 2014-2015, huyện Chư Pưh (Gia Lai) gieo trồng hơn 1.417 ha cây trồng các loại, trong đó lúa đông xuân hơn 800 ha. Thời tiết liên tục nắng nóng đã khiến hầu hết diện tích cây trồng trên địa bàn bị hạn nặng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Chư Pưh, đến thời điểm này, lúa đông xuân trà sớm đang ở giai đoạn làm đòng-trổ bông, lúa trà muộn đang đẻ nhánh nhưng đã có hơn 292 ha lúa vụ đông xuân bị hạn (hơn 206 ha bị thiệt hại hơn 70%), tập trung tại các xã Chư Don 70 ha, thị trấn Nhơn Hòa 52,7 ha, Ia Dreng hơn 38 ha, Ia Hla 37 ha, Ia Hrú 35 ha, Ia Blứh 32 ha...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai gieo trồng sớm hơn một tháng để tránh hạn và khuyến cáo người dân những vùng thiếu nước không nên xuống giống nhưng do nắng nóng kéo dài, nguồn nước cạn kiệt đã làm cho cây trồng bị hạn trên diện rộng. Hiện, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện gần như cạn nước. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Chư Pưh Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Trước tình trạng nêu trên, ngành nông nghiệp đã đề xuất huyện xuất kinh phí hơn 85 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ dầu tưới chống hạn. Huyện đã thành lập các tổ tiếp nước, điều tiết nước, tưới luân phiên, tiết kiệm nước, nạo vét kênh mương, đào giếng để cứu cây trồng; phối hợp Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê điều tiết nước từ công trình thủy lợi hồ Ia Ring để bổ sung nguồn nước cho các công trình thủy lợi trên dòng suối Ia Hlốp. Ngoài ra, huyện rà soát các hộ nghèo trên địa bàn bị hạn mất trắng trong vụ lúa đông xuân này để có phương án hỗ trợ cứu đói... Ðối với diện tích giảm năng suất, mất trắng, huyện cũng đã đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ phân bón, giống để nhân dân sản xuất trong vụ tới.
Ngoài huyện Chư Pưh, tại một số địa phương cũng đang đối diện với tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới. Tại huyện Ðác Ðoa, hiện có 122,9 ha lúa nước đang trong giai đoạn đẻ nhánh bị khô hạn, trong đó diện tích mất trắng là 22,15 ha và diện tích đang tiếp tục chăm sóc, khắc phục là 100,75 ha. Tại các huyện Chư Prông, Ðức Cơ, Krông Pa... tình trạng thiếu nước tại một số vùng, một số diện tích lúa có khả năng mất trắng nếu trong khoảng từ 10 đến 15 ngày tới trên địa bàn không có mưa. Ðối với nguồn nước tưới tiêu cho cây cà-phê, hồ tiêu... đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngắt quãng, rải rác ở hầu khắp các địa phương trong huyện.
Theo nhận định của Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chỉ ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so trung bình nhiều năm. Với tỉnh Gia Lai, khả năng thiếu nước cho sản xuất vụ lúa đông xuân 2014-2015 là khá cao, mức độ cạn kiệt nghiêm trọng hơn so với năm 2014, chủ yếu tập trung ở vùng phía Ðông và Ðông Nam của tỉnh, như: Kbang, Ðác Pơ, Kông Chro, Ayun Pa, Krông Pa... Theo báo cáo của Sở NN và PTNT mực nước đo được thời điểm hiện tại ở các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ trong tỉnh hầu hết đều thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ và thấp hơn so cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt trung bình từ 50 đến 70% so dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ nước đã cạn đến mức báo động như hồ Hrung (huyện Ia Grai) chỉ đạt 6,8%. Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai Văn Phú Bộ cho biết: "Thời điểm hiện tại, mực nước trong hồ đập, sông suối đã xuống thấp hơn so cùng kỳ mọi năm, song vẫn chưa đến mức báo động không đủ nước để sinh hoạt và sản xuất. Nhưng nếu thời tiết cứ diễn biến như thế này cộng với tác động của hiện tượng en-ni-no vào tháng 5 tới, thì đến cuối mùa khô năm nay, chắc chắn sẽ xảy ra hạn hán nặng. Hiện, chúng tôi đang đề nghị Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên cùng phối hợp, theo dõi sát sao biến động của thời tiết để làm cơ sở triển khai các biện pháp tiếp theo".
Trước diễn biến thời tiết không thuận lợi cho sản xuất, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai các biện pháp phòng-chống khô hạn, bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2015; chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy... Sở NN và PTNT tỉnh cũng phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện hướng dẫn người dân có kế hoạch gieo trồng phù hợp để tránh hạn bằng cách bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý, hướng dẫn người dân các vùng thường xuyên thiếu nước tưới xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn hoặc bỏ, không canh tác để bảo đảm hiệu quả sản xuất.