Hiện nay có hơn một nửa dân số thế giới đang tập trung tại các khu đô thị. Và con số này sẽ được dự đoán còn tăng lên nữa, chạm mốc 60% vào năm 2030. Sự tăng trưởng của các khu vực thành thị cũng được các quốc gia đặc biệt quan tâm, bên cạnh những chú ý liên quan tới gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững.
Với những mục tiêu đó, chiến lược học tập suốt đời vì sự phát triển đô thị toàn diện bền vững ra đời, như một chìa khóa để giải quyết các thách thức còn tồn tại.
Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UNESCO Institute for Lifelong Learning), một trung tâm nghiên cứu xuất sắc về học tập suốt đời, đã tiến hành xây dựng “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO” vào năm 2012. Mạng lưới này cho phép các thành phố tăng cường trao đổi quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, cũng như các kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng một “thành phố học tập”.
Giải thưởng “Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO” sẽ được trao cho các thành phố đạt được tiến bộ đột phá với các nền tảng: (1) thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản tới đại học một cách bình đẳng cho mọi người, (2) thúc đẩy học tập trong gia đình và trong cộng đồng, (3) tạo điều kiện học tập phục vụ công việc và tại nơi làm việc, (4) mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, (5) tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập, (6) thúc đẩy văn hóa học suốt đời.
Việc thành phố Cao Lãnh được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu giúp cho người dân thành phố có những cơ hội thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO nhằm cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO.
Thêm vào đó, danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín của một thành phố. Nhờ đó, Cao Lãnh cũng có thêm nhiều khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển thịnh vượng và bền vững.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: “Các thành phố học tập mới được UNESCO công nhận gần đây đều rất xứng đáng, bởi trình độ chuyên môn tuyệt vời cũng như những nỗ lực triển khai cam kết biến quyền lợi học tập thành hiện thực cho mọi công dân ở bất kể lứa tuổi nào”.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, chia sẻ thêm: “Giải thưởng được trao lần đầu tiên vào năm 2015, vinh danh 2 năm/lần. Vừa qua, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hỗ trợ Cao Lãnh trong xây dựng và hoàn tất hồ sơ đăng ký. Hiện nay Việt Nam có 5 thành phố học tập toàn cầu: Hải Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Sa Đéc và Vinh (2020) và Cao Lãnh (2022)”.
Để thích ứng với những thách thức mới và duy trì văn hóa đọc tốt, thành phố Cao Lãnh đã giới thiệu nhiều phần mềm sáng tạo và tổ chức các hội thảo, hội nghị và cuộc họp liên quan đến giáo dục và đọc sách. Cùng với đó, địa phương này đã tích cực phát huy vai trò của hội sinh viên, thanh niên các cấp trong việc tập hợp, đoàn kết, xây dựng thế hệ người Việt Nam đam mê học tập, kinh doanh, khoa học và công nghệ, ham đổi mới, đóng góp phát triển.
Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” lần này cũng ghi nhận sự xuất hiện của Pháp với của ba thành phố bao gồm Sarcelles, Brest và Nanterre.
Thành phố Cao Lãnh là một trong ba thành phố của tỉnh Đồng Tháp ở đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Các trụ cột kinh tế-xã hội của thành phố gồm thương mại, hành chính, y tế, công nghiệp dược phẩm, y học cổ truyền và nông nghiệp.