UNESCO là tổ chức về văn hóa, giáo dục và khoa học của Liên hợp quốc mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1976. UNESCO triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn giáo dục, khoa học (bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn), văn hóa, thông tin và truyền thông. UNESCO có hệ thống các trung tâm (hay các viện) khoa học hoạt động theo các lĩnh vực chuyên môn, trong đó có hai Trung tâm khoa học dạng I và 98 Trung tâm khoa học dạng II (trong đó, có 49 Trung tâm thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên).
Đầu năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) đã tiến hành rà soát tiềm lực của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH và CN) trực thuộc, mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương, năng lực nghiên cứu khoa học… và đi đến thống nhất chọn hai lĩnh vực Toán học và Vật lý là hai thế mạnh của Việt Nam làm bước mở đầu. Đồng thời, đề xuất thành lập hai Trung tâm khoa học dạng II trên cơ sở Viện Toán học và Viện Vật lý thuộc VAST để được UNESCO công nhận và bảo trợ.
Sở dĩ đề xuất thành lập hai Trung tâm này, bởi những năm qua mức độ phát triển cao của Toán học và Vật lý Việt Nam trong tương quan khu vực và quốc tế. Thông qua những công bố trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới, các nhà Toán học và Vật lý Việt Nam đã có mối liên hệ chặt chẽ với các đồng nghiệp tại nhiều quốc gia Tây Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Mặt khác, sự hợp tác trao đổi trên các lĩnh vực Toán học, Vật lý giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN ngày càng mở rộng và phát triển.
Đặc biệt, nhiều năm qua, các Viện Toán học và Vật lý (thuộc VAST) đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài, chặt chẽ với khá nhiều viện nghiên cứu và trường đại học danh tiếng trên thế giới. Trong đó, có các cơ quan trực thuộc UNESCO hoặc được bảo trợ bởi tổ chức này như Trung tâm Vật lý lý thuyết A.salam, Trung tâm Vật lý quốc tế UNESCO, Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3 (TWAS)…
Viện Toán học, sau hơn 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã có gần 40 GS và PGS, 56 TSKH và TS, hơn 20 Thạc sĩ; Viện Vật lý có 20 GS và PGS, 58 TSKH và TS và 34 Thạc sĩ. Cho nên việc thành lập hai Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II được UNESCO bảo trợ, như hai GS, Viện trưởng Lê Tuấn Hoa (toán) và Lê Hồng Khiêm (vật lý) đều cho rằng, đây là thời cơ thuận lợi để phát huy năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học.
Chỉ nói về lĩnh vực Vật lý những năm qua, Viện Vật lý là một trong các đơn vị nghiên cứu có số lượng công trình khoa học được công bố vào loại lớn ở nước ta. Hàng năm, Viện có hơn 100 bài báo khoa học, trong đó khoảng 2/3 được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, đạt chỉ số ISI hoặc SCI-E. 35 năm qua, Viện Vật lý là cơ sở đào tạo sau đại học lớn ở Việt Nam.
Đến nay, Viện đã đào tạo được gần 200 tiến sĩ và 400 thạc sĩ (có cả học viên các nước trong khu vực ASEAN). Các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ tại Viện Vật lý bao gồm Vật lý lý thuyết và Vật lý toán, Vật lý hạt nhân nguyên tử, Vật lý năng lượng cao, Vật lý kỹ thuật…
Đáng chú ý, khoảng mười năm trở lại đây, Viện đã và đang tích cực, chủ động hợp tác với không ít cơ sở nghiên cứu và đào tạo tiên tiến ở châu Âu và Bắc Mỹ (như Nga, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Hà Lan, Canada) cũng như các quốc gia khu vực châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ). Viện Vật lý, lâu nay đang là đại diện của Việt Nam tại nhiều tổ chức KH và CN lớn của thế giới như Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp Na (Nga), Trung tâm Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (APCTP), Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP - Italia), Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3 (TWAS)…
Thời gian qua, Viện Vật lý cũng là một trong số ít đơn vị thuộc VAST đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ dựa trên các thành tựu về quang học, quang tử, điện tử, lade, vật liệu tiên tiến, vật lý hạt nhân. Các sản phẩm do cán bộ của Viện nghiên cứu, chế tạo là những thiết bị và công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Chẳng hạn, hệ thiết bị xử lý tự động quả lọc máu trong điều trị thận nhân tạo, các nguồn chuẩn kỹ thuật số trong kiểm chuẩn và đo lường thiết bị điện, thiết bị chẩn đoán tự động cho sửa chữa ô tô, các hệ LIDAR phục vụ nghiên cứu sol khí và vật lý khí quyển…
Nhờ có những đóng góp trong nghiên cứu và sáng tạo mà không ít nhà khoa học của Viện đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm cũng như thành viên của các tổ chức khoa học quốc tế uy tín (trong đó, phải kể đến các GS Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Đại Hưng, Trần Đức Thiệp, Lê Hồng Khiêm, Nguyễn Bá Ân…).
GS Lê Hồng Khiêm, Viện trưởng Viện Vật lý.
Việc thành lập hai Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II (thuộc VAST) được UNESCO công nhận và bảo trợ sẽ trở thành các Trung tâm đào tạo sau đại học đạt trình độ quốc tế về Toán học và Vật lý; góp phần nâng cao vị thế của KH và CN Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á cũng như mở rộng hợp tác nghiên cứu và đào tạo Vật lý, Toán học giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vấn đề đặt ra là người đứng đầu của hai trung tâm biết tranh thủ thời cơ, quy tụ được các chuyên gia có năng lực thật sự không chỉ của hai viện Vật lý và Toán học(thuộc VAST) mà còn ở các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đại học khác trong cả nước, cũng như các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài cùng tham gia xây dựng, phát triển hai Trung tâm được UNESCO bảo trợ…
Với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hoạt động, theo GS Lê Hồng Khiêm, Viện trưởng Viện Vật lý, hai Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II được UNESCO bảo trợ sẽ tổ chức đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ đẳng cấp quốc tế (theo chế độ đồng hướng dẫn, một GS trong nước và một GS nước ngoài) cho các công dân thuộc các nước trong khu vực ASEAN và vùng lân cận.
Mặt khác, hàng năm, bên cạnh tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ, ban điều hành của các trung tâm này khuyến khích việc hợp tác, liên kết trong nghiên cứu và công bố chung các công trình khoa học trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín…
Thành lập hai Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II được UNESCO công nhận và bảo trợ là sự cụ thể hóa mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020; trong đó, có việc xây dựng các tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới. Đồng thời, thực hiện định hướng đưa VAST trở thành một trong các tổ chức khoa khọc hàng đầu khu vực Đông - Nam Á khi hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng.
"Trung tâm dạng II là một loại hình các viện chuyên môn trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO: giáo dục, khoa học, văn hoá, thông tin của các nước thành viên UNESCO được UNESCO công nhận và bảo trợ vì tầm nhìn và sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành cho khu vực và quốc tế phù hợp với các chính sách và chiến lược của UNESCO; góp phần thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của tổ chức này và phát huy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn giữa các nước thành viên". (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) |