Mạng xã hội Facebook đang phải đối mặt vụ kiện trị giá hơn 2,3 tỷ bảng (3,2 tỷ USD) tại Anh với cáo buộc lạm dụng vị thế chi phối thị trường, khai thác dữ liệu cá nhân của 44 triệu người sử dụng. Vụ kiện cáo ồn ào này được người dùng ủy quyền cho bà Liza Lovdahl Gormsen, cố vấn cấp cao của Cơ quan Quản lý hành vi tài chính (FCA) đồng thời là một nhà nghiên cứu luật cạnh tranh, khởi kiện “gã khổng lồ” công nghệ. Ðây không còn là lời đe dọa mà đơn kiện đã được gửi đến Tòa án cạnh tranh London với cáo buộc Facebook kiếm hàng tỷ bảng Anh thông qua việc “vô tình” buộc người sử dụng cung cấp các dữ liệu cá nhân có giá trị để được truy cập mạng xã hội này trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2019.
Theo chuyên gia luật cạnh tranh Liza Lovdahl Gormsen, trong vòng 17 năm từ khi ra đời, Facebook đã trở thành mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Vương quốc Anh, với lợi thế cho phép người dùng kết nối với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là Facebook lạm dụng vị thế chi phối thị trường để áp đặt các điều khoản không công bằng, cho phép nền tảng này khai thác thông tin cá nhân, sử dụng cơ chế Pixel tạo hồ sơ dữ liệu có giá trị của người dùng cho mục đích quảng cáo và thương mại.
“Vận rủi” này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Facebook thất bại trong nỗ lực ngăn chặn vụ kiện chống độc quyền của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC). Vụ kiện của FTC nhằm vào “gã khổng lồ” được xem là một trong những thách thức lớn nhất của Chính phủ Mỹ đối với một công ty công nghệ trong nhiều thập kỷ qua, trong bối cảnh Washington đang nỗ lực ngăn chặn các hãng công nghệ lớn chi phối thị trường. Một tòa án ở New York cũng đang thụ lý vụ kiện Facebook và Google “đi đêm” với nhau để duy trì thế thống trị trên thị trường quảng cáo trực tuyến.
Ðây không phải lần đầu Facebook vướng vòng lao lý. Ngày 5/1 vừa qua, Ủy ban về thông tin và quyền tự do quốc gia Pháp phạt Facebook 60 triệu euro (hơn 67 triệu USD) về hành vi sử dụng lịch sử hoạt động của khách hàng (cookie) phục vụ mục đích điều phối thông tin quảng cáo.
Tháng 10/2021, Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường Anh (CMA) phạt Facebook 69,5 triệu USD do “phớt lờ” yêu cầu cung cấp thông tin về thương vụ trị giá 400 triệu USD mua lại công ty khởi nghiệp Giphy, chuyên các sản phẩm hoạt họa.
CMA cũng từng phạt Facebook 500.000 bảng vì thay đổi giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý hai lần mà không thông qua cơ quan chức năng.
Ðầu năm 2021, Cơ quan chống độc quyền Italia phạt Facebook 8,45 triệu USD do “lẳng lặng” thu thập và sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích thương mại.
Tháng 7/2021, một tòa án Nga phạt Facebook 6 triệu ruble (hơn 80.000 USD) do không tuân thủ luật pháp của nước sở tại về ngăn chặn nội dung bị cấm ở Nga. Trước đó, năm 2020, Facebook cũng từng bị phạt 4 triệu ruble vì vi phạm luật dữ liệu của Nga.
Trong khi đó, Facebook cũng đối mặt các cáo buộc lừa dối người sử dụng ở Australia. Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cáo buộc mạng xã hội này có hành vi sai trái, gây hiểu lầm và lừa dối người tiêu dùng trong việc quảng cáo ứng dụng di động Onavo Protect, phần mềm mạng cá nhân ảo được Facebook mua lại từ một công ty của Israel năm 2013 và hiện không còn tồn tại. Theo ACCC, từ tháng 2/2016 đến 10/2017, Facebook đã đánh lừa người dùng Israel với quảng cáo rằng, ứng dụng Onavo Protect sẽ giữ bí mật hoạt động, sở thích và dữ liệu cá nhân, bảo đảm không sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào khác ngoài Onavo Protect. Tuy nhiên, thông qua Onavo Protect, Facebook đã thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân chi tiết và có giá trị của hàng nghìn người cho các mục đích thương mại.
Các vụ kiện và cáo buộc xảy ra liên tiếp ở nhiều quốc gia nhằm vào Facebook, dù không làm túi tiền vốn rất rủng rỉnh của “gã khổng lồ” vơi đi nhiều, nhưng có thể khiến uy tín và danh tiếng của mạng xã hội này ít nhiều bị sứt mẻ. Trong bối cảnh nhiều hãng công nghệ (không chỉ riêng Facebook) còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tối đa hóa lợi nhuận, người sử dụng cần tỉnh táo, tránh để bị lợi dụng, “vô tình” cung cấp các dữ liệu cá nhân ngoài tầm kiểm soát.