Trong đó, kết quả chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị đã khẳng định hiệu quả, tạo ra được đột phá trong cải cách hành chính, phát triển thương mại điện tử tại địa phương. Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng cũng còn không ít việc phải làm để chuyển đổi số trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển tại địa phương.
Động lực phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 7/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng đã lựa chọn một nội dung đột phá, đó là phát triển thương mại điện tử. Với mục tiêu hỗ trợ hợp tác xã, công ty và hộ kinh doanh tìm đầu ra, tiêu thụ các sản phẩm, nông sản.
Thực hiện lộ trình đó, từ năm 2019 đến nay, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho gần 1.700 học viên là cán bộ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp thương mại điện tử, sở đã hỗ trợ 24 đơn vị xây dựng, vận hành phần mềm quản lý dữ liệu; hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng online và phần mềm quản lý bán hàng thông minh.
Đến nay, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và đang quản lý, vận hành 3 hệ thống phần mềm thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các nhà phân phối quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến trên bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt, hệ thống hội chợ, triển lãm trực tuyến tỉnh Cao Bằng và cổng thông tin giao dịch thương mại điện tử tỉnh Cao Bằng. Qua đó, các đơn vị đã có 3.806 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận được với khách hàng trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, gia tăng doanh số bán hàng.
Tiêu biểu như Hợp tác xã nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo, xóm Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, thông qua việc đưa các sản phẩm bún khô, miến dong, đỗ các loại, nấm hương, gạo nếp lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Postmark, Voso, Amazon, 24/7… đã giúp hợp tác xã mở rộng kênh phân phối và tiếp cận được nhiều khách hàng.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo, Lại Đức Thứ cho biết, đến nay, đơn vị đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Phát triển thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã mở rộng quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và đầu ra cho các sản phẩm bún ngô, bún cẩm, bún gấc, bún gạo lứt, bún khô, gạo nếp Pì Pất Cao Bằng; ổn định việc làm và doanh thu cho các thành viên hợp tác xã và hộ nông dân liên kết phát triển sản xuất.
Nhân rộng và biểu dương tập thể, cá nhân tích cực trong chuyển đổi số, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số” giai đoạn 2021-2025. Thực hiện phong trào, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn và tăng cường vận động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian, công sức giải quyết thủ tục hành chính.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 1.497 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần được triển khai thực hiện. Có 72,58% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, được giải quyết, tạo bước tiến mới trong xây dựng chính quyền số tại địa phương.
Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng giám sát ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Báo Cao Bằng) |
Tạo cơ sở, nền tảng phát triển chuyển đổi số
Đánh giá một số kết quả nổi bật thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương, đồng chí Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng cho biết, kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đã tạo lập kho dữ liệu dân cư khá đầy đủ, chính xác, phục vụ áp dụng thực hiện nhiều tiện ích.
Hỗ trợ người dân tiếp cận, tham gia trong quá trình chuyển đổi số, đến nay, tại các xóm đã thành lập hơn 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ trao đổi văn bản và xử lý công việc, giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển phát văn bản, tài liệu. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối từ tỉnh đến xã, giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí tổ chức các cuộc họp. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh tiếp tục được duy trì triển khai sử dụng hiệu quả, phục vụ chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số. Việc tạo lập, phát triển dữ liệu bổ sung thông tin vào kho dữ liệu dùng chung đang được thực hiện tại 8 ngành, địa phương, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Kết quả đã đạt được là khá tích cực, tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở Cao Bằng còn không ít việc phải làm. Trong bảng đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2022, tỉnh Cao Bằng xếp 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng chia sẻ một số khó khăn như nhận thức chưa đồng đều của một số lãnh đạo ngành, địa phương. Có người đứng đầu vẫn còn cho rằng nhiệm vụ chuyển đổi số là “chưa quan trọng”. Theo đó, chưa quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nội dung, công việc, kế hoạch chuyển đổi số.
Mặc dù đã được quan tâm đào tạo, tập huấn và củng cố, nhưng chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và yếu. Ủy ban nhân dân 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh chưa quan tâm, bố trí công chức công nghệ thông tin, triển khai thực hiện và tham mưu về công tác chuyển đổi số.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng tốc chuyển đổi số tại địa phương, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và phối hợp các ngành, địa phương triển khai, thực hiện tốt các đề án, kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số. Đồng thời, phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ phát triển.