Cao Bằng giải "bài toán" tiêu thụ nông sản

Những năm gần đây, bức tranh chung về sản xuất, tiêu thụ nông sản của Cao Bằng đã có nhiều điểm sáng. Song thực tế vẫn còn nhiều sản phẩm nông nghiệp "bí" đầu ra, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã Tâm Hòa, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Hợp tác xã Tâm Hòa, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Đồng chí Tô Đức Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc chia sẻ, địa phương quan tâm quảng bá, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hình thành thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Trong những năm vừa qua, một số mô hình liên kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã bước đầu đạt hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm đã liên kết, bao tiêu sản phẩm gạo nếp hương của nông dân, xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

Từ năm 2020, sản phẩm gạo Nếp Hương Bảo Lạc đã được cấp chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP, sản phẩm được thị trường chấp nhận, tiêu thụ tốt. Sau khi được hỗ trợ bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm, diện tích trồng gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc đã tăng khoảng năm lần, đạt 165 ha/vụ, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha, năng suất thấp hơn lúa lai, nhưng giá bán cao gần gấp ba lần, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.

Câu chuyện liên kết, nông dân sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm đã được thực hiện khá hiệu quả ở Cao Bằng. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, sở đã phối hợp, triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ở các mô hình, dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm, người nông dân là người trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp là người hỗ trợ, cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, Nhà nước giữ vai trò quản lý, bảo đảm việc liên kết diễn ra thuận lợi và được đẩy mạnh thực hiện.

Kết quả trong thời gian ngắn, tỉnh và cấp huyện đã thực hiện được hơn 160 chuỗi liên kết, với các chuỗi sản phẩm chủ lực là các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh như chuỗi thuốc lá, chuỗi gừng trâu, chuỗi thạch đen, chuỗi thịt lợn hun khói, chuỗi lạp sườn… đã đem lại đầu ra ổn định cho người dân, tạo nguồn thu đáng kể cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Các mô hình như: liên kết tiêu thụ củ gừng trâu ở huyện Hà Quảng (được Công ty DACE hỗ trợ đầu tư giống, phân bón, thu mua sản phẩm xuất khẩu); trồng cây ngô ngọt ở huyện Quảng Hòa (được Hợp tác xã Ba sạch Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng bao tiêu sản phẩm)... đã giúp duy trì, phát triển sản xuất ổn định và cải thiện, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ngành nông nghiệp Cao Bằng cũng tích cực phối hợp, triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, từ đó dễ dàng tiếp cận các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có 58 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; đang tổ chức xét, công nhận thêm 38 sản phẩm OCOP.

Nhiều sản phẩm OCOP của Cao Bằng thành công về bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đơn cử như các sản phẩm miến dong Tân Việt Á của Hợp tác xã Tân Việt Á; sản phẩm lạp sườn, thịt hun khói của Hợp tác xã Tâm Hòa; sản phẩm chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng, được tiêu thụ rộng rãi, ổn định tại thị trường trong nước.

Khắc phục khó khăn, lúng túng

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng một số sản phẩm nông nghiệp tại Cao Bằng vẫn "bí" đầu ra. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu, bò tại địa phương có hơn 222.000 con, phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo là ngành kinh tế quan trọng tại địa phương. Đặc biệt với đồng bào ở những xóm vùng cao, ít đất nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, phát triển chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò thương phẩm là nguồn thu nhập lớn đối với bà con. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu trâu, bò tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, đơn vị đã có kiến nghị với bộ, ngành Trung ương đàm phán với cơ quan hữu quan của phía Trung Quốc để xúc tiến, tiến tới xuất khẩu chính ngạch trâu, bò thịt sang thị trường nước bạn, tạo cơ hội để phát huy tiềm năng, lợi thế chăn nuôi đại gia súc của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đánh giá, một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay còn gặp khó khăn, lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm, có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân như năng lực quản lý của người nông dân, hợp tác xã, khả năng dự báo thị trường và tìm kiếm thị trường chưa tốt dẫn đến vấn đề sản phẩm sản xuất ra chưa tìm được thị trường tiêu thụ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, ngành nông nghiệp địa phương sẽ phối hợp, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất; dự báo sát thị trường các loại nông sản; khuyến cáo người nông dân sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch định hướng của Nhà nước; quảng bá, giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, tập trung vào thực hiện xây dựng các dữ liệu chuyên ngành, các số liệu về truy xuất nguồn gốc; quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trên các trang thương mại điện tử, các hình thức mua bán trực tuyến để mở rộng không gian tiếp cận khách hàng trong thời đại 4.0.