Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao, ngày 06/4/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Đặng Thị Chính (sinh năm 1974, ở thôn Tiền Vỹ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) và Trịnh Thị Huyền (sinh năm 1991, ở thị trấn Phú Thái, Kim Thành) về tội “Mua bán người”.
Theo Cáo trạng, tháng 8/2019, qua facebook, Huyền quen người phụ nữ tên Thảo (khoảng 30 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) đang sinh sống ở Trung Quốc. Thảo thông tin với Huyền ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) có nhiều đàn ông muốn lấy vợ Việt Nam, ai có nhu cầu thì giới thiệu. Nếu đưa được người sang Trung Quốc, Thảo sẽ trả cho Huyền 40.000 nhân dân tệ (khoảng 120 triệu đồng)/1 người.
Sau đó, Huyền đăng bài vào nhóm Môi giới kết hôn Trung - Hàn - Việt trên facebook với nội dung: “Hiện có rể người Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam có cô dâu nào thật lòng muốn lấy chồng, tìm kiếm hạnh phúc thì liên hệ”.
Đọc được thông tin này, một thành viên trong nhóm đã nhắn tin cho Huyền nhờ giúp đỡ cho người em là chị N.T.N (sinh năm 1991, ở xã Tân Việt, Thanh Hà) và cho số điện thoại để Huyền trực tiếp liên lạc.
Ngày 03/01/2020, Huyền cùng mẹ nuôi là Đặng Thị Chính đến nhà chị N trao đổi thông tin và hướng dẫn chuẩn bị thủ tục kết hôn với người Trung Quốc, nếu chị N và gia đình đồng ý sẽ nhận được tiền sính lễ 60 triệu đồng.
Bố chị N không đồng ý nên cất hết giấy tờ cá nhân của chị N, tuy nhiên chị N. vẫn liên hệ với Huyền nhờ tìm cách đưa mình đi. Huyền bảo chị N chuẩn bị căn cước công dân để làm hộ chiếu đi “chui” sang Trung Quốc.
Ngày 8/1/2020, Huyền, Chính tổ chức cho chị N trốn sang Trung Quốc qua đường mòn biên giới thuộc huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Đến điểm hẹn ở Trung Quốc, Chính và chị N đi xe ô-tô đến tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Sau đó gặp một người đàn ông Trung Quốc dự kiến lấy làm chồng nhưng chị N không đồng ý. Huyền bảo chị N ở lại nhà người đàn ông này chờ xem mặt rể khác, nếu không đồng ý phải trả toàn bộ chi phí đã bỏ ra để đưa sang đây.
Ở lại trong thời gian dài nhưng không xem được mặt chàng rể nào, chị N đến nhà người quen ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) rồi ra trình báo cơ quan công an để được đưa về nhà. Ngày 26/03/2020, chị N được cơ quan chức năng Trung Quốc bàn giao về cho đồn biên phòng cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý. Hành vi của Huyền và Chính đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán người” theo Điều 150 Bộ luật hình sự. Các bị cáo đã đưa chị N ra khỏi biên giới Việt Nam bằng con đường không chính ngạch nên phải chịu tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật hình sự.
Căn cứ vào mức độ phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Huyền 9 năm tù giam, bị cáo Chính 7 năm tù giam về tội "Mua bán người". Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, về án phí, quyền kháng cáo đối với các bị cáo.
Điều luật 150, 151 Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn với các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên tinh thần khái niệm buôn bán người của nghị định thư về phòng chống buôn bán người mà Việt Nam là thành viên. Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành đối với điều luật này đã làm rõ thêm nhiều khái niệm và quy định rõ thêm về hành vi cho các loại tội này, trong đó có các hành vi liên quan đến việc dùng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài.
Điều 4 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP quy định: Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác;
- Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự.