Theo cơ quan điều tra, khoảng đầu năm 2019, Đồng thành lập Công ty TNHH Taiyo Japan quốc tế và đăng tuyển “kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC” lên trang Facebook. Nhiều người cả tin nộp từ 25 triệu đồng đến 70 triệu đồng đặt cọc cho Đồng để được đi làm việc tại Nhật Bản. Sau đó, Đồng lấy các mẫu giấy xác nhận nộp hồ sơ xin làm việc tại Nhật Bản và giấy tư cách lưu trú trên internet, mang ra cửa hàng photocopy nhờ chèn ảnh, ngày, tháng, năm tiếp nhận hồ sơ để đưa cho các bị hại. Bằng thủ đoạn này, Đồng lừa đảo được hơn 1,3 tỷ đồng. Trước đó trong tháng 4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Đoàn Duy Bình (37 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo kết luận điều tra, năm 2014, Bình thành lập công ty nêu trên. Do người quen giới thiệu, Bình nắm được danh sách 104 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Sau đó, Bình tư vấn thủ tục, trình tự, hồ sơ và nếu đồng ý, người có nhu cầu ứng trước cho Bình từ 30 triệu đồng đến 115 triệu đồng. Việc nhận tiền cọc của 104 người muốn đi xuất khẩu lao động được hợp thức hóa bằng hợp đồng nguyên tắc để ký hợp đồng vay tiền có công chứng. Sau khi ký hợp đồng, Bình nhận tiền mặt và đăng ký, đóng học phí lớp học tiếng Nhật cho bị hại tại các trung tâm. Gần hết khóa học, Bình ký hợp đồng thực tập kỹ năng, yêu cầu bị hại nộp hộ chiếu và đóng tiền đợt 2 từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Với thủ đoạn này, Bình đã chiếm đoạt tổng số tiền 11,2 tỷ đồng và 11.200 USD.
Có thể thấy, tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động thời gian vừa qua diễn ra khá phổ biến. Nhiều người dân vì nhẹ dạ cả tin, lại muốn đổi đời nơi “miền đất hứa” cho nên đã sập bẫy những đối tượng lừa đảo. Anh N.H.T (ở tỉnh Bắc Giang) cho biết: Thời gian qua, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vì thế anh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trên mạng xã hội Facebook, anh quen một đối tượng quảng cáo là giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu lao động, có thể đưa anh đi làm việc đúng với tay nghề cơ khí của anh tại Nhật Bản. Tin lời, anh nộp tiền đặt cọc 20 triệu đồng. Tuy nhiên, chờ đợi mấy tháng, anh không nhận được thông báo đi học tiếng Nhật và làm thủ tục xuất khẩu lao động như cam kết. Liên hệ lại thì đối tượng nêu trên đã khóa Facebook cá nhân và số điện thoại cũng không còn liên lạc được. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo…, nhiều công ty, cá nhân đăng các thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc các ngành nghề xây dựng, cơ khí, đầu bếp… tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… với mức lương lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Thậm chí có thông tin đăng tuyển còn cho biết không cần phải có tay nghề, khi đặt cọc một số tiền nhất định sẽ được đào tạo tay nghề miễn phí. Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc với các công ty, cá nhân đó qua điện thoại, tin nhắn đề nghị cung cấp giấy phép xuất khẩu lao động thì các công ty, cá nhân này không cung cấp được hoặc tìm cớ thoái thác.
Một số người chuyên tư vấn về xuất khẩu lao động cho biết, các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng đều là chiêu trò cũ, nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy do không tìm hiểu kỹ, cũng như thiếu trang bị cho mình kiến thức, quy định pháp luật về xuất khẩu lao động. Nhiều người lao động đến từ các vùng quê, miền núi, vùng sâu, vùng xa cho nên thông tin, kiến thức còn hạn chế. Thậm chí, một số người chủ quan, chỉ nhìn thấy cái lợi dù các phương tiện thông tin đại chúng đã không ít lần cảnh báo về các thủ đoạn này. Nắm bắt được tâm lý của người lao động thường muốn xuất cảnh nhanh cho nên nhiều đối tượng còn có thủ đoạn hứa hẹn đưa đi xuất khẩu lao động sớm hơn, công việc nhẹ nhàng, lương cao và thu thêm phí. Nhưng thực tế, để được đi xuất khẩu lao động thì phải mất nhiều tháng để học tiếng, cho nên dù nộp thêm tiền thì cũng phải theo đúng quy trình của chương trình thực tập sinh. Theo luật sư Chu Quang Minh, Giám đốc Công ty Luật FBLAW, để tránh bị lừa, người có nhu cầu cần tìm hiểu kỹ giấy phép hoạt động của công ty xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, việc công ty có trụ sở, địa chỉ rõ ràng, thông tin liên hệ, cơ sở vật chất, hồ sơ giấy tờ cũng như việc tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cũng là yếu tố để cân nhắc. Bên cạnh đó, cần đọc kỹ hợp đồng để bảo đảm hiểu rõ tất cả các khoản, mục và nắm được các nội dung cơ bản. Khi đóng bất kỳ khoản phí nào cũng phải có biên lai đầy đủ, ghi chính xác số tiền đã đóng và phải giữ cẩn thận tất cả giấy tờ này để tránh các rủi ro sau này.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thời gian qua, tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu muốn đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Về vấn đề này, Cục đã thường xuyên thông qua cơ quan thông tin truyền thông, các báo, đài cảnh báo đến người lao động; phối hợp chính quyền, cơ quan chức năng ở các địa phương xác minh, thanh tra, kiểm tra và điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do người lao động thiếu thông tin hoặc không tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo thu tiền trái pháp luật. Cục đã có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với một số doanh nghiệp.