Vào giữa tháng 6, khi đang ở nhà, bà N.T.L., sinh năm 1953, trú ở thôn Ðường Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Ðông Anh, Hà Nội nhận được điện thoại của một người đàn ông, tự giới thiệu là Công an xã Xuân Nộn phụ trách thôn Ðường Nhạn, mời ra trụ sở Công an xã để kích hoạt định danh điện tử. Vị này cũng thông tin, qua rà soát dữ liệu, xác định bà L. chưa đăng ký, kích hoạt định danh điện tử, vị “Công an xã” còn cho biết bà L. đang bị một ngân hàng có chi nhánh ở quận Tây Hồ đòi nợ số tiền 66 triệu đồng.
Do bị quá bất ngờ với thông tin nêu trên, ban đầu bà L. “quả quyết” mình chưa bao giờ vay ngân hàng số tiền như vậy. Vị “Công an xã” trao đổi với bà L. là sẽ chuyển số điện thoại của bà đến cán bộ Công an thành phố Hà Nội, đồng thời hướng dẫn bà L. làm tường trình, khẳng định không liên quan đến số tiền nêu trên. Chỉ ít phút sau đó, có một số điện thoại khác gọi cho bà L., tự xưng là “cán bộ Công an thành phố Hà Nội” hướng dẫn bà làm tường trình, cam kết sẽ bảo vệ bà vô can trong việc nợ tiền.
Ðồng thời, vị “cán bộ Công an thành phố Hà Nội” yêu cầu bà L. phải chuyển 66 triệu đồng qua tài khoản do vị này đưa để chứng minh không nợ tiền. Sau khi chứng minh xong, bà L. sẽ được nhận lại đủ số tiền đã chuyển. Ðến lúc này, bà L. đã nhanh trí nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu mà bà từng được Công an xã Xuân Nộn đến tận nhà tuyên truyền, cảnh báo. Ngay lập tức, bà L. đã tắt máy và thông báo sự việc đến Công an xã.
Theo Trung tá Ðinh Văn Khoa, Trưởng Công an xã Xuân Nộn cho biết, đây là trường hợp lừa đảo đầu tiên ghi nhận ở địa bàn xã. Công an xã đã báo cáo cơ quan cấp trên, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đơn vị đầu mối cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân, việc kích hoạt định danh điện tử được thực hiện theo hai mức. Ở mức 1, công dân thực hiện qua app VneID; ở mức 2, công dân phải đến cơ quan công an để tiến hành kích hoạt. Quá trình này, cán bộ công an không yêu cầu người dân cung cấp bất cứ thông tin gì liên quan đến thân nhân cũng như thông tin tài khoản ngân hàng.
Ðể phòng, tránh các đối tượng lừa đảo, người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người tự xưng là luật sư hay công an.
Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng gọi điện thoại tự xưng nhân viên bưu điện thông báo: đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận; thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng; liên quan các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... đã có lệnh bắt của cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát.
Sau đó, tội phạm sẽ yêu cầu “nạn nhân” kê khai tài sản, số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng, đồng thời yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… Thậm chí, để tạo sự tin tưởng, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ để giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an thành phố Hà Nội hoặc các cơ quan của Nhà nước. Sau đó, chúng dùng lời lẽ đe dọa, yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo những hành vi nêu trên là thủ đoạn lừa đảo. Người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè, tránh “mắc bẫy” của các đối tượng. Ðể làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, tránh mắc bẫy và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.