Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, muốn kiếm thêm thu nhập, chị T.T.N. (ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lên mạng tìm kiếm việc làm thêm. Khi thấy một dòng quảng cáo ngắn gọn được đăng về việc may quần áo tại nhà với mức lương 400.000 đồng/ngày, chị N. đã lập tức liên lạc với “nhà tuyển dụng” thì họ yêu cầu chị đóng khoản phí 1,5 triệu đồng để nhân viên tới tận nhà hướng dẫn. Chị N. đã ngay lập tức chuyển tiền mà không mảy may nghi ngờ, nhưng chờ nhiều ngày không thấy ai liên lạc, hướng dẫn như đã hẹn. Chị N. liên lạc lại số điện thoại đã liên hệ trước đó thì “đối tác” đã tắt máy.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến nhằm vào người đi tìm việc làm là thực trạng nhức nhối nhiều năm nay. Các đối tượng lừa đảo cũng ngày một tinh vi hơn; các thông tin đều mập mờ, không đồng nhất; sao chép các thương hiệu nổi tiếng để rao tin tuyển dụng (khiến nạn nhân tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống); thông tin thường có nội dung hấp dẫn như “việc nhẹ, lương cao”, mức hoa hồng rất cao… nhưng bao giờ cũng phải đóng một khoản phí gì đó.
Người tìm việc làm sẽ được yêu cầu thanh toán các khoản phí, khoản đặt cọc thông qua việc chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân hoặc nhiều tài khoản cá nhân khác nhau thay vì tài khoản của tổ chức. Các thông tin tuyển dụng được đăng tải nhiều lần, đăng tải tại nhiều nơi hoặc đăng lại tin tuyển dụng đã cũ...
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Ðông Nam Bộ tập trung một lượng lớn lao động nên cũng là nơi dễ phát sinh tình trạng lừa đảo, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, nhiều doanh nghiệp liên tiếp phải cắt giảm lao động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 153 nghìn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, 58 doanh nghiệp cũng thông báo cho thôi việc 4.319 người, tăng 37 doanh nghiệp và 2.894 lao động so với năm 2022. Còn tại tỉnh Ðồng Nai, theo thống kê từ các cấp Công đoàn, từ đầu năm đến nay có gần 23 nghìn lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý III năm 2023 cần 7.412 lao động, trong khi đó, nhu cầu tìm việc làm là 17.765 lao động, như vậy nguồn cung đang thừa khoảng 10 nghìn lao động.
Theo thống kê, tại Việt Nam, số vụ lừa đảo trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi tháng có hơn một triệu website lừa đảo mới. Những chiêu trò lừa đảo không hề mới, nhưng với thủ đoạn tinh vi vẫn khiến không ít người lao động sập bẫy. Trước thực tế đó, người lao động cần hết sức tỉnh táo trước các thông tin quảng bá của các đối tượng lừa đảo; không thể có chuyện “việc nhẹ, lương cao” như quảng cáo.
Ðể tìm việc làm, người lao động cần kết nối với các trung tâm dịch vụ có uy tín, thông tin đăng tải rõ ràng, chính thống. Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo: Nếu người dân bị trục lợi, lừa gạt, cần nhanh chóng thông báo đến cơ quan công an để xử lý, hoặc báo cáo qua đường dây nóng phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để được hướng dẫn kịp thời. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần truyền thông đến người lao động, người dân có nhu cầu việc làm về các thủ đoạn, hình thức lừa đảo… để mọi người cùng biết và phòng tránh.