Cảnh giác với bệnh sốt mò

Bệnh do côn trùng truyền bệnh. Chu kỳ phát triển của mò trải qua 4 giai đoạn là trứng, ấu trùng, thanh trùng và con trưởng thành. Sau khi nở từ trứng, ấu trùng bò lên cỏ hoặc những loại cây thấp, đám lá mục để đợi vật chủ là nghi hoặc động vật. Khi gặp mò thường bám chặt vào da của vật chủ như loài bò sát, chim, thú, người đi qua hoặc nghỉ lại nơi chung sống.

Ở người, những nơi mò hay bám vào để đốt là chỗ quần áo bó sát vào da, thắt lưng và mắt cá. Tuổi thọ của mò phụ thuộc vào loài và hoàn cảnh sống. Với điều kiện thích hợp, mò thường sống khoảng 1 năm.

Chỉ có ấu trùng mò mới ký sinh trên động vật có xương sống và người, nó thường hoạt động vào mùa hè. Ấu trùng mò có hình thể khác hẳn con trưởng thành, kích thước rất nhỏ khoảng 0,15-0,3 mm, có 6 chân, thân mình mang nhiều lông và thường có mầu đỏ da cam. Nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường, hầu hết mọi người đều không thấy được sự có mặt của chúng cho đến khi xuất hiện vết đốt trên người. Ấu trùng thường đốt người ở vùng thắt lưng, nách và bộ phận sinh dục. Mỗi lần đốt, ấu trùng đâm vòi vào mạch bạch huyết và hút bạch huyết trong khoảng vài ngày (từ 3-8 ngày). Con trưởng thành và thanh trùng không sống ký sinh ở người và động vật mà sống tự do ở cây, cỏ, đất.

Mò gây bệnh thường mang mầm bệnh loại vi sinh vật Rickettsia tsutsugamushi (còn gọi là Rickettsia orientails) trên cơ thể. Mò đốt người và truyền bệnh trong mỗi đợt, mò có thể đốt nhiều lần trên nhiều vật chủ. Mầm bệnh qua mò có thể truyền lại cho những thế hệ sau của nó. Khi bị mò đốt, ngoài những tổn thương tại chỗ như viêm da, ngứa, loét ở chỗ vết đất; vi sinh vật Rickettsia tsutsugamushi ở trên cơ thể ấu trùng mò xâm nhập vào người qua vết đốt và gây nên bệnh sốt mò.

Bệnh thường xảy ra từ 4-10 ngày sau khi bị mò đốt. Bệnh nhân thường rét run, đau đầu, sốt từ 38-390C, có khi lên tới 40,500C, nổi hạch bạch huyết ở gần nơi đốt. Ở một số bệnh nhân có thể có vết nổi ban đỏ ở mặt, ngực, bụng, gan bàn tay và bàn chân. Bệnh có khi rất nặng và có thể phát thành dịch. Thể bệnh nặng thường có biến chứng ở các cơ quan nội tạng, thần kinh và những tổn thương ở mắt. Về yếu tố dịch tễ, bệnh thường xảy ra ở những vùng ven sông, ven suối có nhiều loài chuột hoang dại và các loài gặm nhấm khác.

Theo kinh nghiệm phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh sốt mò ở một số nơi. Bệnh thường xuất hiện triệu chứng nghiệm khuẩn, nhiễm độc toàn thân cùng với 3 dấu hiệu điển hình là vết loét ở chỗ mò đốt, thường là chỗ da mềm, ẩm, kín như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn; sưng hạch bạch huyết ở khu vực gần vết loét và sốt phát ban toàn thân không theo thứ tự, mọc ở mặt, ngực, bụng. Ngoài yếu tố dịch tễ và lâm sàng, bệnh còn được chẩn đoán bằng kỹ thuật huyết thanh xác định kháng thể. Bệnh sốt mò khó chẩn đoán nên cần cảnh giác và phân biệt với các bệnh có sốt khác như sốt rét, sốt thương hàn, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết...

Bệnh điều trị đáp ứng có hiệu quả với kháng sinh thông thường loại doxycycline và chloramphenicol. Ngoài ra, việc điều trị hỗ trợ khác cũng phải cần được can thiệp để nâng cao thể trạng bệnh nhân, hạn chế bệnh nặng và các biến chứng có thể xảy ra.

Phòng bệnh hữu hiệu nhất là tránh tiếp xúc với mò, dùng thuốc xua côn trùng bôi vào da và quần áo. Nếu có điều kiện, phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng ở những nơi trú ẩn của mò.