Cánh cửa hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản-Hàn Quốc rộng mở

Chính phủ Hàn Quốc vừa đưa Nhật Bản trở lại "Danh sách trắng" gồm các đối tác thương mại đáng tin cậy, sau hơn ba năm gián đoạn. Ðộng thái mới nhất này nhằm cải thiện quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước láng giềng, tạo cơ hội tăng cường trao đổi thương mại, mở ra trang mới trong mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhật Bản bãi bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. (Nguồn: Business Korea/Vietnam+)
Nhật Bản bãi bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. (Nguồn: Business Korea/Vietnam+)

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã công bố bản sửa đổi danh mục xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng chiến lược. Theo đó, Hàn Quốc khôi phục vùng xuất khẩu đối với các hạng mục liên quan đến Nhật Bản, cho phép các công ty xuất khẩu các mặt hàng chiến lược sang Nhật Bản được hưởng quy tắc ưu tiên trong thời gian xét duyệt và làm thủ tục giấy tờ đơn giản hơn. Với việc chỉ định Nhật Bản trở lại "Danh sách trắng", thời gian xem xét giấy phép xuất khẩu đối với các công ty trong nước xuất khẩu nguyên liệu chiến lược sang Nhật Bản giảm từ 15 ngày xuống 5 ngày và số lượng tài liệu phải nộp giảm từ 5 loại còn 3 loại.

Như vậy, Nhật Bản sẽ trở lại nhóm 29 quốc gia được ưu đãi trong chính sách thương mại của Hàn Quốc. Trong khi đó, phía Nhật Bản vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm đưa Hàn Quốc trở lại danh sách ưu đãi về thương mại. Theo giới chức Hàn Quốc, Nhật Bản cần thêm thời gian để làm các thủ tục nội bộ do cần sửa đổi luật. Tuy nhiên, Nhật Bản từ tháng 3 vừa qua đã dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba loại vật liệu chiến lược, gồm polyimide flo hóa, chất quang dẫn và hydro florua để sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

Năm 2019, Hàn Quốc đã đưa Nhật Bản ra khỏi "Danh sách trắng" nhằm đáp trả phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu hai công ty Nhật Bản bồi thường các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai. Quan hệ song phương đã ấm lên sau khi Hàn Quốc công bố phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ do các doanh nghiệp tư nhân đóng góp, thay vì yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan chi trả trực tiếp. Ngày 5/3 vừa qua, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thống nhất thành lập một "Quỹ Thanh niên tương lai" để tài trợ học bổng cho sinh viên, như một phần của thỏa thuận này. Quỹ do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) thành lập.

Gần đây, hàng loạt cuộc gặp giữa giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã được tổ chức nhằm cải thiện quan hệ hai nước, vốn căng thẳng lâu nay do những tranh cãi về lịch sử và ngoại giao. Hàn Quốc và Nhật Bản đang đàm phán khởi động hai kênh đối thoại về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tháng 3. Ðối thoại an ninh kinh tế có sự tham gia của hội đồng an ninh quốc gia hai nước và Ðối thoại an ninh quốc gia với sự tham gia của các quan chức thuộc các cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai nước. Ðối thoại an ninh kinh tế dự kiến đóng vai trò là diễn đàn để thảo luận hợp tác về các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến chất bán dẫn, xe điện và pin, cũng như phản ứng chung của hai nước đối với các biện pháp kiểm soát các áp lực kinh tế.

Qua đó, Seoul và Tokyo cũng có thể thảo luận về phản ứng của hai nước đối với Ðạo luật Giảm lạm phát và Ðạo luật Khoa học và chíp bán dẫn của Mỹ, trong bối cảnh lo ngại các đạo luật này có thể gây tổn hại tới các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối thoại an ninh quốc gia sẽ giúp Seoul và Tokyo phối hợp phản ứng trước diễn biến trên bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Việc Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập các kênh đối thoại về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia, cùng với động thái gần đây nhất nhằm dỡ bỏ những rào cản chính sách giúp hai nước mở rộng cánh cửa hợp tác, xây dựng quan hệ hướng tới tương lai. Ðây là biện pháp xây dựng lòng tin hữu hiệu và là dấu hiệu tích cực góp phần vào duy trì hòa bình và phát triển ở khu vực Ðông Bắc Á.