Để trở thành “Cánh chim đầu đàn” trong bảo hiểm tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Yên Thành luôn nhận được sự hỗ trợ chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp của địa phương.
An nhàn tuổi già
Gia đình ông Trương Đăng Nghĩa ở xóm 3, xã Xuân Thành, trước đây do kinh tế khó khăn nên chỉ có bà Thái Thị Tiềm (vợ ông Nghĩa) tham gia bảo hiểm. Sau đó, bà Tiềm về hưu, được nhận lương hưu như người nhà nước. Còn ông Nghĩa, do không tham gia, không có lương hưu, nay đã 68 tuổi mà hằng ngày vẫn phải đi làm thợ mộc để trang trải cuộc sống. Ông Nghĩa tiếc nuối vì trước đây không gắng thêm tí nữa để cùng vợ tham gia thì bây giờ cả hai vợ chồng có cuộc sống an nhàn. Bà Tiềm còn được nhận thẻ bảo hiểm y tế hưởng quyền lợi 95%, “chống lưng” các bệnh về già. Từ thực tế bản thân, ông Nghĩa đã tuyên truyền cho con cháu, bà con lối xóm tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện để được hưởng chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo, bù đắp cho người dân lao động tự do…
Chuyện chia sẻ của vợ chồng ông Trương Đăng Nghĩa đã tác động sâu sắc đến nhiều người, trong đó có chị Ngô Thị Trí (55 tuổi) ở xóm Thọ Xuân. Chị Trí chia sẻ: “Trước đây, mặc dù đã được nghe tuyên truyền về chính sách nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không tham gia. Từ năm 2019 thấy nhiều người trong xóm, như bác: Thái Thị Tiềm, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Bưởi… có hoàn cảnh như mình được nhận lương hưu, lại được Nhà nước hỗ trợ đóng phí nên tôi đã quyết định tham gia”. Được biết, chị Trí là một trong số gần 900 đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện của xã Xuân Thành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Thành Phan Hoàng Thụ cho biết: Để trở thành đơn vị có số người tham gia bảo hiểm tự nguyện đứng tốp đầu huyện Yên Thành phải nói đến có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm tự nguyện là một trong những tiêu chí để thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Gắn việc phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào phong trào thi đua của các thôn xóm, đoàn thể. Bên cạnh đó, do xã có nhiều nông dân nay an nhàn được hưởng lương hưu, yên tâm đi bệnh viện điều trị đã tạo nên phong trào tham gia bảo hiểm. Cũng như các địa phương khác, người dân ở đây đã gây dựng quỹ tiết kiệm, các nhóm hỗ trợ đóng bảo hiểm. Nhiều gia đình có con, cháu đi xuất khẩu lao động gửi tiền về giúp đóng bảo hiểm tự nguyện. Không ít gia đình có cả bố mẹ, các con, người thân đều tham gia bảo hiểm tự nguyện...
Ở những địa phương mà điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, số người nghỉ hưu theo bảo hiểm tự nguyện chưa nhiều thì các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vào cuộc quyết liệt hơn; phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội huyện trong tuyên truyền và “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động đối tượng tham gia. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thịnh Thành Nguyễn Đình Phong, qua tuyên truyền, người dân thấu hiểu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại càng cần phải tham gia bảo hiểm tự nguyện để ổn định cuộc sống, nhất là khi về già hay ốm đau.
Đến hết tháng 11/2024, trong số 8.334 đối tượng ở Yên Thành được hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm thì có đến 781 đối tượng là người dân lao động tự do (nông dân) có lương hưu, chiếm 9,37%; nhiều nhất có Xuân Thành 74 người, Nam Thành 53 người... Giờ đây những bác nông dân tuổi 60, 70 có lương hưu hằng tháng để an nhàn cuộc sống mà không phải làm phiền con cháu. Họ có thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe mà chi phí bỏ ra không đáng là bao mới thấy tính ưu việt của chính sách an sinh bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Vì sự an lành
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Yên Thành Mai Huy Thái cho biết: Với mục tiêu “Bảo hiểm y tế toàn dân”, “Bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động”, Bảo hiểm xã hội Yên Thành đã tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ban chỉ đạo cấp huyện về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện. Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm cho từng địa phương cụ thể và ấn định thời gian tổ chức các hội nghị truyền thông khách hàng được chú trọng. Bám sát kịch bản phát triển đối tượng của bảo hiểm xã hội cấp trên, phối hợp với các đoàn thể, tổ chức dịch vụ thu và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị truyền thông khách hàng theo đúng kế hoạch. Số bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế quá hạn, đến hạn được đôn đốc, vận động người dân tiếp tục tham gia kịp thời. Hạn chế dừng đóng bảo hiểm tự nguyện, quá hạn đóng bảo hiểm y tế...
Nhằm tạo sức hút cho các đối tượng, theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Yên Thành Mai Thị Lĩnh, tại hội nghị truyền thông, cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện trực tiếp triển khai chính sách một cách ngắn gọn, rõ vấn đề, phân tích kỹ các chính sách bảo hiểm liên quan đến quyền lợi của người dân... để mọi người hiểu được tầm quan trọng của chính sách và tham gia, thụ hưởng chính sách bền vững. Tư vấn cho người dân cách tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày để dành tiền đóng phí bảo hiểm hằng tháng. Thông tin về một số điểm mới, tính ưu việt của Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tự nguyện như giảm thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm; hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng khác được Nhà nước hỗ trợ lần lượt 30%, 25% và 10% phí đóng bảo hiểm tự nguyện; đóng phí linh hoạt; ốm đau, thai sản đi bệnh viện không phải nộp viện phí… Tổ chức hội nghị truyền thông lồng ghép với các cuộc họp của địa phương, mời người dân chưa tham gia về tham dự và mời các hộ dân được hưởng lương hưu chia sẻ cảm nhận về chính sách khi được hưởng lương hưu nhằm lan tỏa chính sách. Do mời đúng đối tượng tiềm năng, truyền thông khéo léo nên kết thúc hội nghị đều có nhiều người đăng ký tham gia các loại bảo hiểm. “Điều quan trọng nữa để góp phần vào thành công là cán bộ Bảo hiểm xã hội phải nhiệt tình đi sớm, về khuya, kiên trì bám xóm làng, cơ sở để tuyên truyền theo nhóm nhỏ, tuyên truyền trực tiếp 1-1…”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Yên Thành chia sẻ thêm ■
Đến hết tháng 11/2024, ở Yên Thành có 19.205 đối tượng tham gia Bảo hiểm tự nguyện, dẫn đầu Nghệ An. Nổi bật các xã: Vĩnh Thành 898 người tham gia, Xuân Thành 882 người, Phúc Thành 776 người, Trung Thành 737 người… Trong 11 tháng năm 2024, toàn huyện đã có 3.326 đối tượng tham gia Bảo hiểm tự nguyện.