Bình luận - Phê phán

Cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình

NDO - Thời gian gần đây, sự xuất hiện dồn dập của những vụ thảm án từ một số gia đình bất hạnh với tính chất cuồng bạo và mức độ nguy hiểm có chiều hướng gia tăng đã không khỏi gây rung động và bàng hoàng trong dư luận. Thực trạng đau xót này chính là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trầm trọng, cũng như sự băng hoại các giá trị văn hóa gia đình.

Tội ác từ gia đình - nỗi đau của xã hội

Có thể nói, chỉ riêng trong vài tháng đầu năm 2013, tội ác do mâu thuẫn trong gia đình đã diễn ra với tần suất dày đặc. Chưa hết đau xót trước tin người bố trẻ 30 tuổi đang tâm siết cổ con trai 10 tháng tuổi; dư luận lại kinh hoàng trước việc một người cha vì không muốn để vợ ra nước ngoài làm ăn đã nhẫn tâm tẩm xăng lên người cùng hai con gái rồi châm lửa, khiến hai bé tử vong. Gần đây nhất, là một vụ thảm sát càng khiến mọi người phải đau đớn. Vì vợ không sinh được con trai nối dõi, người chồng lại bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa bố mẹ đẻ và vợ nên phẫn uất tẩm xăng vào mình, bố mẹ đẻ cùng vợ và hai con gái, khiến sáu người phải nhập viện trong tình trạng thương tích nặng, sau đó ông nội và hai cháu gái tử vong...

Ðành rằng, ở thời nào cũng thế, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn ấy có thể xuất phát từ sự bất đồng quan điểm, từ tranh giành quyền lợi về đất đai, tiền bạc, hay từ lối sống phóng túng, không chung thủy... Nhưng điều chúng ta cần suy ngẫm là ở chỗ: tại sao các hành động mất tính người trong gia đình lại gia tăng cả về tần suất và mức độ, từ những lý do khó lòng dung thứ? Như một người mẹ chủ ý đầu độc  con trai ruột rồi vứt xuống mương vì nghĩ con sẽ là vật cản hôn nhân giữa mình và tình nhân, rồi một người cha không ngần ngại ném đứa con mới vài ngày tuổi chỉ vì... giận vợ. Ðau đớn hơn, phần lớn đối tượng phạm tội đều mới 20, 30 tuổi. Ðiều này càng khẳng định, đã và đang xuất hiện tình trạng thoái hóa về đạo đức và khủng hoảng giá trị sống trong cuộc sống gia đình hiện đại.

Suy giảm các giá trị văn hóa của thiết chế gia đình

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, vài năm gần đây, gần 90% số vụ trọng án có nguyên nhân từ mâu thuẫn xã hội, trong đó các vụ việc hãm hại người thân trong gia đình do nguyên nhân xã hội chiếm tới gần 20%. Các con số đó cho thấy những chức năng cơ bản của gia đình đã và đang đứng trước nguy cơ suy giảm trầm trọng trước guồng quay của xã hội hiện đại. Trong tiến trình vận động, phát triển của xã hội, gia đình luôn là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống từ đời này sang đời khác bằng việc thực hiện, duy trì và bảo vệ bốn chức năng cơ bản: sinh sản, giáo dục, kinh tế và tình cảm. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôm nay, dường như hai chức năng đặc biệt quan trọng là giáo dục và tình cảm ít nhiều đã bị suy yếu. Cùng với sự xuất hiện của những vụ giết hại người thân, hàng loạt những con số thống kê về sự gia tăng của các vụ ly hôn, các trường hợp bạo lực gia đình đủ cho thấy, thiết chế gia đình đang trở nên lỏng lẻo, nền tảng văn hóa gia đình đang trở nên yếu ớt. Từ tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và công cuộc hội nhập bên cạnh những cơn "gió lành", gia đình - tế bào của xã hội, cũng phải đương đầu với những cơn "gió độc". Những thách thức về đời sống, kinh tế trong xã hội hiện đại ít nhiều mang đến áp lực, sự căng thẳng mà mỗi thành viên trong gia đình cần phải giải quyết. Ðặc biệt, có thể nói xu hướng đề cao giá trị vật chất vô hình trung đã chi phối một số giá trị nhân văn trong gia đình. Thay vì đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, thì chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào từng gia đình, làm cho quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, bị tác động, chi phối bởi giá trị vật chất. Minh chứng của sự hoán đổi này là các vụ ẩu đả do tranh chấp tiền bạc, của cải giữa những người ruột thịt. Thực tế cho thấy, đã và đang xuất hiện khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Quan niệm về đạo đức trong quan hệ giữa ông bà, cha mẹ thuộc thế hệ trước với con cháu lớn lên trong thời kỳ mới đang làm nảy sinh nhiều khác biệt đáng kể, thể hiện qua lối sống, cách nghĩ, cách nhìn nhận cuộc đời, đánh giá sự việc, đánh giá hành vi... Nhiều quan điểm, cách sống xa lạ có khả năng làm lệch chuẩn trong quan hệ gia đình đang manh nha, biểu hiện rõ nhất là ở giới trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần bàn tới ảnh hưởng tiêu cực từ sự tác động tổng hợp của văn hóa ngoại nhập, trò chơi bạo lực, tranh ảnh, băng đĩa kích động bạo lực và tình dục,... khiến một bộ phận người trẻ tuổi tôn sùng lối sống hưởng thụ, sống vội, sống gấp, sống thử, không chịu được các thay đổi, khắc nghiệt của cuộc sống, dễ bị cám dỗ bởi những giá trị ảo, dẫn đến dần dà quay lưng lại với những giá trị truyền thống và dễ có những hành vi phạm lỗi khó kiểm soát. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tuổi đời phạm tội của các thành viên trong gia đình.

Tội ác do mâu thuẫn gia đình rất khó xác định trước, vì nhiều mâu thuẫn vốn âm ỉ, tồn tại lâu dài như những con sóng ngầm dần làm hao mòn quan hệ, không phải khi nào cũng phát lộ. Nhưng ngược lại, cũng có những vụ án mà mâu thuẫn gia đình nảy sinh và bộc lộ ngay từ đầu thông qua những cuộc tranh cãi, những vụ xô xát, lời qua tiếng lại. Tuy nhiên, do không có sự can thiệp kịp thời từ hàng xóm, bạn bè, tổ hòa giải, cho nên mâu thuẫn mỗi ngày một sâu sắc, dẫn đến bi kịch đau xót. Có nhiều vụ án chỉ đến khi nhìn thấy hậu quả đắng lòng, người chung quanh mới giật mình quan tâm. Ðiều này cho thấy, bên cạnh sự khủng hoảng về các giá trị văn hóa gia đình, sự lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của các thành viên trong gia đình, còn xuất hiện sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa gia đình với cộng đồng xã hội. Nếu trong xã hội xưa, tính cộng đồng luôn luôn được coi trọng, "láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau", thì ngày nay sự quan tâm của cộng đồng, của hàng xóm ở nhiều nơi không còn chặt chẽ, thắm thiết như trước. Dù đã biết trước nguy cơ, thậm chí được chứng kiến hành vi bạo lực, vi phạm đạo đức trong gia đình, nhiều người thờ ơ, vô cảm, né tránh, không dám lên tiếng ngăn chặn, hoặc phối hợp đấu tranh. Một phần vì quan niệm "đèn nhà ai nhà nấy rạng" vẫn tồn tại trong suy nghĩ của một số người, phần vì trong xã hội hiện đại có người đã quen với việc chạy theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ quan tâm đến mình không quan tâm đến chung quanh, phần vì cuộc sống hiện đại với tiết tấu gấp gáp và tất bật khiến nhiều người thiếu ý thức trau dồi phẩm chất công dân, ngại va chạm, sợ "rước họa vào thân". Từ đây, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của những vụ án gia đình còn thuộc về trách nhiệm của cộng đồng xã hội.

Trách nhiệm cộng đồng

Gia đình là tế bào của xã hội. Vì thế, để xã hội phát triển toàn diện, mỗi gia đình phải giữ được nền nếp, gia phong. Trước hết, các bậc ông bà, cha mẹ cần phải có lối sống, ứng xử đúng mực, kính trên nhường dưới, có trách nhiệm làm gương cho con cháu học tập, noi theo. Có thế, các mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình mới khó có cơ hội nảy sinh, và nếu có nảy sinh thì dễ được xoa dịu, giải quyết, trở thành động lực để mọi thành viên thêm hiểu và gắn bó với nhau hơn. Ðồng thời, việc giáo dục ý thức công dân cũng cần được đẩy mạnh như một giải pháp mang tính phòng ngừa xã hội. Trong quá trình giáo dục nhân cách, lối sống, phẩm chất đạo đức cho người dân cần chú trọng nhấn mạnh, gắn liền công tác giáo dục pháp luật với công tác xây dựng gia đình văn hóa, khối phố văn hóa... Ðặc biệt, những luồng văn hóa ngoại lai có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, hành vi của công chúng cần phải được các cơ quan chức năng kiểm duyệt, điều hướng chặt chẽ. Cùng với việc đưa ra các bản án nghiêm khắc có tính răn đe mạnh mẽ đối với tội ác từ gia đình, chính quyền cơ sở cũng cần nâng cao trách nhiệm của các tổ hòa giải, các tổ chức xã hội ở địa bàn nhằm tháo gỡ, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong các gia đình từ khi mới nảy sinh, bởi đây mới chính là những tổ chức, con người có khả năng phát hiện sớm nhất các mầm mống bi kịch gia đình. Những tổ chức xã hội trên địa bàn như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh... phải liên kết chặt chẽ với lực lượng cảnh sát khu vực trong công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu để nắm bắt sớm những nguyên nhân, điều kiện có thể phát sinh mâu thuẫn trong từng gia đình, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết.

Thời gian qua, báo chí và truyền thông đã thể hiện vai trò tích cực trong khi phát hiện, đăng tải các vụ án nghiêm trọng trong gia đình, từ đó góp phần đẩy lùi hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện không ít bài báo chỉ thuần túy đưa tin câu khách mà không chú trọng đến chức năng định hướng, giáo dục dư luận, thậm chí còn cung cấp thông tin chi tiết, mô tả cặn kẽ diễn biến vụ án, công bố hình ảnh cận cảnh hiện trường (nhiều khi rất phản cảm) để tăng yếu tố giật gân. Chưa kể trên màn ảnh nhỏ, nhiều bộ phim bạo lực được chiếu thường xuyên, thiếu chọn lọc. Ðiều này vô tình có thể gây kích thích đối với người dễ bị kích động, hay đang bị mâu thuẫn gia đình ám ảnh. Chính vì thế, trong khả năng và quyền hạn của mình, các cơ quan báo chí và truyền thông cũng cần hết sức tỉnh táo trong điều tiết thông tin, hình ảnh, cũng như đưa ra lời khuyên, lời cảnh báo với dư luận.

Tình trạng gia tăng tội ác từ gia đình không phải là chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia, sự vào cuộc của mọi thành phần, mọi tổ chức xã hội, phải lấy việc xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân bản đích thực đặt lên hàng đầu, trong đó bắt đầu từ mỗi gia đình.