Căng thẳng leo thang giữa Mali và các quốc gia châu Âu sau khi chính quyền quân sự ở Mali không tổ chức được các cuộc bầu cử sau hai cuộc đảo chính quân sự. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp và các nước châu Âu nhóm họp thảo luận tình hình Mali cũng như cách thức điều chỉnh việc triển khai các lực lượng để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sahel châu Phi.
Trước đó, Đan Mạch thông báo sẽ bắt đầu rút binh sĩ khỏi Mali sau khi chính quyền quân sự tại quốc gia châu Phi này đưa ra yêu cầu lập tức rút quân. Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, mục tiêu của lực lượng này là ổn định Mali và một số khu vực ở vùng biên giới giữa Mali, Niger và Burkina Faso cũng như bảo vệ dân thường chống lại các nhóm khủng bố. Đan Mạch cho biết việc triển khai quân này được thực hiện sau khi Mali có đề nghị.
Pháp và 14 quốc gia châu Âu khác đã hối thúc chính quyền quân sự Mali cho phép một biệt đội của Đan Mạch - thuộc Lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi, duy trì hiện diện ở Mali. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền quân sự chuyển tiếp Mali tuyên bố Pháp cần ngừng can thiệp vào công việc của Mali.
Lực lượng Takuba đã đồng hành cùng các binh sĩ Mali trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến và cũng là lực lượng nòng cốt trong chiến lược của Pháp tại khu vực Sahel. Dự kiến, sứ mệnh của lực lượng quân sự Đan Mạch tại Mali kết thúc vào đầu năm 2023. Việc Mali yêu cầu Đan Mạch rút quân có khả năng ảnh hưởng đến việc triển khai quân đội nhiều nước châu Âu khác tại quốc gia châu Phi này trong năm nay.