Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

NDO - Tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều nạn nhân bị mất tiền do tham gia làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng, đầu tư tài chính, bị lừa đảo tình cảm… Lợi dụng tình hình này, các đối tượng tiếp cận nạn nhân bị lừa đảo, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ.
0:00 / 0:00
0:00
Một trang fanpage mạo danh với các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị treo.
Một trang fanpage mạo danh với các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị treo.

Thủ đoạn của các đối tượng là tiếp tục lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ, như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”..., với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.

Mục đích của các đối tượng nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa ảnh 1

Ảnh minh họa 1 trang giả mạo.

Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các đơn vị công an, công ty luật, văn phòng luật sư… và đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung: cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cắt ghép các phát biểu của một số luật sư, cán bộ công an; đưa hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát ủy quyền “thu hồi vốn treo”, “đòi lại tiền bị lừa đảo” để tạo sự tin tưởng cho người dân.

Đồng thời, chúng sử dụng tính năng chạy quảng cáo để các video, bài viết này thường xuyên xuất hiện khi người dân truy cập mạng xã hội nhằm thu hút người theo dõi, tương tác.

Thậm chí, chúng sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác với các bài viết; thường xuyên tham gia bình luận vào các bài viết trên các trang thông tin uy tín, có số lượng lớn người quan tâm tương tác như trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook, nhằm tăng cường độ tin tưởng, thu hút sự quan tâm của người dân về việc sẽ lấy lại được tiền.

Khi người dân chủ động liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa đảo; cài đặt, tải các ứng dụng khác, như: Zalo, Telegram… để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả để người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý. Sau đó, chúng sẽ lấy nhiều lý do, như cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dân, nhất là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng nêu trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Hiện, Bộ Công an và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.