Chiến tranh thế giới thứ nhất được châm ngòi bởi một cuộc tiến công khủng bố ám sát nhằm vào Ðại công tước Phran-dơ Phéc-đi-nan của Áo-Hung do một phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Xéc-bi-a thực hiện tại Xa-ra-ê-vô ngày 28-6-1914. Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa phát-xít đã đi vào lịch sử loài người như một chương đen tối nhất bởi sự tàn độc với quy mô khủng khiếp của nó. Lịch sử cũng cho thấy nhiều hành vi cực đoan của một người, nhóm người, tổ chức, đảng phái, quốc gia, nhóm quốc gia đã gây ra nhiều hậu quả thảm khốc cho người dân và quốc gia khác trên thế giới.
Hòa bình thế giới vẫn bị đe dọa
Trong mười năm qua, kể từ sau sự kiện 11-9-2001, vẫn đầy rẫy các hoạt động cực đoan, bạo lực, khủng bố xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2010, một thống kê cho thấy những người dân vô tội của 72 quốc gia trên thế giới đã phải hứng chịu hơn 11 nghìn cuộc tiến công khủng bố, làm gần 50 nghìn người chết. Thế giới không tỏ ra an toàn hơn sau khi những thủ lĩnh của An Kê-đa bị bắt hoặc bị giết. Ðiều này càng đáng báo động, bởi cũng chưa bao giờ hòa bình, tình yêu hòa bình lại trỗi dậy mạnh mẽ như vậy. Sau các cuộc chiến tranh trên thế giới và hàng nghìn cuộc chiến tranh khu vực, tiểu khu vực, nội chiến, nhân loại đã thật sự thức tỉnh về nhu cầu hòa bình. Vậy, điều gì đã xảy ra? Vì sao chủ nghĩa cực đoan, mà một hình thái của nó là chủ nghĩa khủng bố, vẫn xen vào dòng chủ lưu của chính trị hòa bình thế giới? Phải chăng, trong tâm khảm con người, lịch sử tâm lý con người, bạo lực, cực đoan chưa hề mất cơ hội xâm chiếm?
Mười năm sau cuộc khủng bố tồi tệ tại nước Mỹ và ngay sau đó là một loạt các cuộc chiến tranh "trả đũa" dưới danh nghĩa "chống khủng bố", nhất là tại Tây Á và Trung Ðông, ngày 22-7-2011, đất nước Na Uy, một quốc gia được coi là thanh bình tại châu Âu bị rúng động bởi vụ tiến công khủng bố kép do một thanh niên người Na Uy chủ mưu, thực hiện. Cuộc tiến công đẫm máu này, một lần nữa, cho thấy tính chất nguy hiểm của hình thái cực đoan khủng bố, nó có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu và dường như không quá khó để thực hiện.
Ngày nay, thế giới trở nên "phẳng", "tròn", "toàn cầu hóa", "hỗn độn trong quy luật"... Tư tưởng loài người và nền văn minh vật chất đều có những bước tiến mới. Ðồng thời, thế giới cũng bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Hố ngăn cách giàu nghèo, xung đột tư tưởng, văn hóa, tôn giáo đã trở thành các vấn đề an ninh quốc gia và toàn cầu. Chủ nghĩa cực đoan nảy mầm từ những "miền đất dữ" trong tâm tưởng và thực tế của cuộc sống con người. Ngày nay, những "chất xúc tác", "điều kiện cần" cho những hành vi chống lại loài người không hề mất đi khi nền văn minh càng tiến cao và xa hơn.
Công nghệ là một trong những nhân tố tác động đó. Chẳng hạn, với công nghệ tên lửa vác vai và công nghệ hạt nhân bị phổ biến không dễ gì kiểm soát, các cuộc tiến công khủng bố giờ đây trở nên đặc biệt nguy hiểm. Ðiều đó cũng đúng với công nghệ sinh hóa học, na-nô, viễn thám, công nghệ thông tin. Vận tải xuyên biên giới ngày nay cũng dễ dàng hơn trước nhiều lần. Nhưng công nghệ và vũ khí không giết người, mà do con người sử dụng chúng.
Ðối phó chủ nghĩa cực đoan
Theo cách nhìn của những nhà hoạch định chính sách Mỹ, sau sự kiện 11-9, nước Mỹ đã phải tuyên chiến với "nỗi kinh hoàng" chứ không chỉ với những kẻ khủng bố cụ thể. Ðó là ứng xử của một siêu cường. Vậy các quốc gia nhỏ hơn thì sao? Nguy cơ và khả năng ứng phó của các quốc gia là khác nhau. Nhưng điểm giống nhau là ở chỗ cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan chắc chắn phải nằm sâu trong ẩn ức mỗi con người, một cuộc chiến quyết liệt không kém cuộc đấu súng trên các chiến trường Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và I-rắc.
Khủng bố và chủ nghĩa cực đoan nói chung không phân biệt quốc gia, nhóm, tổ chức hay cá nhân. Vậy nghịch lý là ở chỗ đó, bởi các quốc gia, nhóm, tổ chức và cá nhân lại chỉ nhìn nhận chủ nghĩa cực đoan theo cách riêng của họ. Cuộc chiến của Mỹ tại Trung Ðông nhằm diệt trừ khủng bố không nhận được sự hưởng ứng đồng nhất, trước hết ngay trong lòng nước Mỹ. Một số còn có thể lợi dụng nó vì nhiều mục đích khác. Bởi vậy, chủ nghĩa cực đoan tiếp tục là thách thức nan giải của quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại các nước ngày nay.
Những tư tưởng cực đoan, cả nội sinh cũng như du nhập từ bên ngoài, không trừ một nước nào, dân tộc nào. Bởi vậy, sự phòng bị không bao giờ thừa. Chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố cần phải bị lên án, nhưng chúng sẽ không mất đi nếu chỉ bị lên án. Ðiều đó cần hành động của tất cả chúng ta.