Căng thẳng bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ tai nạn hầm mỏ

NDO -

NDĐT - Bốn nghiệp đoàn lao động ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa kêu gọi tổ chức cuộc bãi công kéo dài một ngày trên toàn quốc sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 282 người chết ở một mỏ than ở miền tây nước này.

Căng thẳng bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ tai nạn hầm mỏ

Các nghiệp đoàn lao động này, đại diện cho công nhân trong hàng loạt các ngành công nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã tỏ ra rất tức giận trước những tiêu chuẩn an toàn nghèo nàn áp dụng ở khu mỏ ở Soma, nơi xảy ra tai nạn, kể từ khi mỏ than này được tư nhân hóa vào năm 2005. Họ đã ra thông cáo kêu gọi “các giai cấp công nhân, người lao động và bạn bè của họ đứng lên vì những người anh em ở Soma” và yêu cầu những người tham gia bãi công mặc đồ đen tuần hành về Bộ Lao động Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi con số thống kê về số người chết ngày một gia tăng, và hy vọng cứu người sống sót trong vụ tai nạn tắt dần, sự giận dữ đang bùng phát trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 14-5, người dân bức xúc đập vỡ cửa sổ tòa nhà văn phòng chính quyền địa phương ở Soma, chất vấn Thủ tướng Tayyip Erdogan khi ông này tới thăm nơi xảy ra tai nạn và xô xát với các thành viên trong đoàn tháp tùng. Hàng loạt các cuộc biểu tình khác cũng đã bùng phát ở Instanbul và thủ đô Ankara.

Cũng trong ngày 14-5, hoạt động cứu hộ đã vấp phải khó khăn khi ngọn lửa trong mỏ vẫn đang bốc cháy dữ dội, tạo ra một lượng khí độc lớn và gây nhiều nguy hiểm cho những nhân viên cứu hộ đang tìm cách đưa các thi thể nạn nhân ra ngoài. Việc cứu hộ đã phải tạm dừng trong vài giờ để xử lý lượng khí độc này. Theo Bộ trưởng Năng lượng Taner Yildiz, các nhóm cứu hộ sau đó đã khôi phục được các hệ thống thông gió để bơm không khí sạch vào mỏ và đang chuẩn bị nối lại công tác cứu hộ.

Tuy nhiên, quan chức chính phủ và nhân viên cứu hộ đều cho rằng hầu như không còn cơ hội cứu được người còn sống trong khu mỏ bởi thời gian từ khi xảy ra tai nạn cho tới lúc đó đã là 40 giờ.

Vụ tai nạn này hiện được xem là tồi tệ nhất trong ngành công nghiệp khai thác mở ở Thổi Nhĩ Kỳ. Trước đó, tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra ở nước này là vào năm 1992, khi một vụ nổ khí đốt làm chết 263 công nhân ở tỉnh Zonguldak.