Cần xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng ở Tam Đảo

Khu du lịch quốc gia Tam Ðảo, trong đó có thị trấn Tam Ðảo có vị trị quan trọng trong ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai, xây dựng ở khu vực này bị buông lỏng. Nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công trình xây dựng ở Tam Ðảo vi phạm pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng nhưng chưa bị xử lý.
Nhiều công trình xây dựng ở Tam Ðảo vi phạm pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng nhưng chưa bị xử lý.

Nhiều công trình vi phạm, tiềm ẩn nguy hiểm

Ðược người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, từ lâu thị trấn Tam Ðảo được coi là điểm nhấn du lịch và trở thành địa chỉ dẫn dắt trong chiến lược từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc. Tiềm năng của Tam Ðảo là rất rõ, điều này đã được tổng kết trong các nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, từ một thị trấn mờ sương, không khí trong lành mát mẻ nay đã biến đổi thành thị trấn “bê-tông” với những biệt thự, khách sạn, homestay… Ðiều đáng nói, trong số hàng trăm biệt thự, khách sạn, homestay được giới thiệu có khung cảnh đẹp, tầm bao quát thiên nhiên hùng vĩ lại là những công trình không phép, sai phép diễn ra trong thời gian dài.

Theo phản ánh của bạn đọc, việc đào đất, xẻ núi diễn ra ở nhiều nơi tại thị trấn Tam Ðảo, nhiều diện tích đất bị san nền để xây dựng. Ðặc biệt, tại khu vực tổ dân phố 2, được các chủ sở hữu đua nhau xây dựng các công trình kinh doanh quán cà-phê, homestay xây dựng trên đất canh tác, đất vườn bất chấp các quy định về đất đai, quy hoạch. Hình ảnh các nhà khung thép cheo leo trên vách núi khiến nhiều người không khỏi lo lắng về mức độ an toàn, nhưng đang được xuất hiện dày đặc trên các tuyến đường.

Việc cấp phép xây dựng ở thị trấn Tam Ðảo ngoài những quy định chung thì cần phải thêm thủ tục đó là kết quả khoan thăm dò địa chất của đơn vị có thẩm quyền để bảo đảm an toàn cho khu vực thi công. Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng thấy được sự nguy hiểm và bất an cho người dân khi đến tham quan tại các khu vực nêu trên.

Ông Phùng Quang Trường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tam Ðảo

Việc vi phạm trong trật tự xây dựng của các nhà đầu tư, cá nhân cũng đã bị chính quyền các cấp liên quan của huyện Tam Ðảo lập biên bản, đình chỉ và xử phạt vi phạm hành chính, nhưng các khu vực xây dựng trái phép này vẫn tiếp tục được hoàn thiện, để sau đó ngang nhiên hoạt động kinh doanh. Thậm chí một số cơ sở khách sạn, homestay, quán cà-phê vẫn tiếp tục được xây dựng, mở rộng quy mô và quảng cáo công khai trên mạng xã hội để đón khách.

Trong hoạt động xây dựng, nhiều công trình lớn xây dựng không phép, chưa có hoặc sai giấy phép xây dựng cũng bị lập biên bản xử phạt. Có thể kể đến, khách sạn Camellia do Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc là chủ đầu tư đã được cấp phép xây dựng năm 2018, tuy nhiên trong quá trình thi công chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế, thi công sai giấy phép (đã bị xử phạt 50 triệu đồng); khách sạn Century được cấp phép xây dựng năm 2020, nhưng cũng thi công sai giấy phép và bị xử phạt 50 triệu đồng. Khách sạn Thiên Phúc (xây dựng không giấy phép), khách sạn Thanh Hải, khách sạn Thắng Lợi (cải tạo sửa chữa công trình không có giấy phép), khách sạn Hương Sơn (không có giấy phép)…

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Thị trấn Tam Ðảo có diện tích 261,5 ha, nhưng gần 200 ha là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng cây lâu năm, và chỉ còn hơn 60 ha là đất phi nông nghiệp, trong khi đó có 1.134 nhân khẩu, gần 200 khách sạn, biệt thự, nhà nghỉ... cùng hàng nghìn khách du lịch đổ về Tam Ðảo mỗi ngày, nên thị trấn như bị “nén chặt” trong một không gian chật hẹp.

Theo ông Nguyễn Duy Dũng - Chủ tịch UBND thị trấn Tam Ðảo, việc xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng có nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân là do lịch sử để lại, khi nhiều tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp đất thương mại dịch vụ để sản xuất, kinh doanh nhưng chưa đầu tư xây dựng. Công tác cán bộ của thị trấn trong thời gian qua liên tục thay đổi nên đã tác động trực tiếp đến công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm. Ngoài ra, từ tháng 3/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên nhiều người dân bất chấp các quy định pháp luật vẫn cố tình xây dựng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong số 94 trường hợp vi phạm trên địa bàn, mới chỉ có khoảng 25 trường hợp bị xử lý. Trong đó, các vi phạm từ trước năm 2014 không xử lý trường hợp nào. Ðiển hình như tổ hợp khách sạn Hương Rừng có 14 trường hợp vi phạm, nhưng chưa xử lý trường hợp nào. Từ năm 2015 đến nay, UBND thị trấn đã phát hiện 40 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nhưng mới xử lý được 19 trường hợp, còn 21 trường hợp chưa xử lý. Những vi phạm nêu trên đã được Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu xử lý dứt điểm nhưng hầu hết các công trình vẫn tồn tại.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Ðảo Trần Anh Tú cho biết, đối với các trường hợp vi phạm, chính quyền sẽ hoàn tất các thủ tục để vận động tự tháo dỡ. Nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khó khăn do thủ tục để thực hiện cưỡng chế phải đúng theo quy định nên mất nhiều thời gian chuẩn bị. Trong khi đó, do kinh phí thiếu, nhiều địa điểm tháo dỡ có độ dốc cao, máy móc không thể sử dụng, khi thiết lập hồ sơ vi phạm chưa chuẩn nên việc xử lý cũng gặp khó khăn.

Với mục tiêu kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp phát sinh mới, không để tồn tại, UBND huyện đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng, hướng tới quy trình xử lý sớm, không để công trình hoàn thiện mới xử lý.

Những vi phạm pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng tràn lan ở thị trấn Tam Ðảo cho thấy các cấp chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. Ðiều đó cũng cho thấy sự cấp thiết phải hoàn thiện Ðồ án quy hoạch chung thị trấn Tam Ðảo đến năm 2030 để có căn cứ áp dụng cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. Ðồ án này, tuy được xây dựng từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Những công trình xây dựng tại trung tâm thị trấn, theo phân cấp thì trách nhiệm xử lý thuộc UBND thị trấn Tam Ðảo và UBND huyện Tam Ðảo. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng tại đây rất lớn trong khi Ðồ án quy hoạch chưa được phê duyệt cho nên việc xử lý còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Ðức Mai, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm về đất đai và thiết lập hồ sơ để xử lý. Ðặc biệt, các vi phạm từ năm 2018 trở lại đây đều phải xử lý dứt điểm, yêu cầu đối tượng vi phạm phải hoàn trả hiện trạng ban đầu.

Ông Nguyễn Duy Tiên, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc