Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSÐT) Công an tỉnh Cà Mau vừa quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng Ðặng Hải Ðăng (SN 1966), Giám đốc CDC tỉnh Cà Mau; Hồ Quang Nhu, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ CDC Cà Mau và Lê Ngọc Ðịnh, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Sở Y tế tỉnh Cà Mau, về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Cà Mau quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế và CDC Cà Mau. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, Sở Y tế, CDC Cà Mau và Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau thực hiện 11 gói thầu mua kít xét nghiệm Covid-19, hóa chất, sinh phẩm,… của Công ty Việt Á, với số tiền 49,4 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hồ sơ đấu thầu, các bị can nêu trên đã thực hiện không đúng quy định về đấu thầu, vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu được quy định tại khoản 6 Ðiều 89 Luật Ðấu thầu.
Trước đó, Cơ quan CSÐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QÐ-CSKT-P9 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại khoản 3, Ðiều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Ðồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với 15 bị can, trong đó ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với chín bị can, gồm: Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính cùng bảy bị can khác; ra lệnh tạm giam đối với một bị can; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với năm bị can.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu là do nhiều cá nhân, đơn vị thiếu công khai, minh bạch thông tin đấu thầu; chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu thầu; hệ thống pháp luật về đấu thầu chưa hoàn thiện; công tác mời thầu, nhận hồ sơ thầu, chấm thầu, kiểm soát trong quá trình tổ chức đấu thầu còn thiếu chặt chẽ. Hiện tượng lợi ích nhóm, bao che cho hành vi tiêu cực, cản trở nhà thầu lạ, thông thầu,… vẫn tồn tại. Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu chưa được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, lãnh đạo nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ để trục lợi thông qua việc tổ chức đấu thầu. Các đối tượng vi phạm thường có chức vụ, có hiểu biết và nhiều mối quan hệ nên dễ dàng che giấu hành vi phạm tội.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Nguyễn Anh Tuấn, để bảo đảm môi trường đấu thầu thật sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý công tác đấu thầu tại cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với hiệu quả công tác đấu thầu; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước tiên nếu để xảy ra vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận theo quy định tại khoản 4 Ðiều 89 Luật Ðấu thầu năm 2013 và áp dụng các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu theo quy định tại Ðiều 121, Ðiều 122 Nghị định số 63/2014/NÐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo thông tin xử lý nhà thầu vi phạm đến Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Giao cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu tại bộ, ngành, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, sở kế hoạch và đầu tư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu như nội dung, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu... Tăng cường chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu; đào tạo, phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật về đấu thầu cho cán bộ thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia. Tạo điều kiện để nâng cao năng lực, chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, bảo đảm có đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, dự án.
Ðể hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu, cần tăng nặng việc xử phạt về hành chính cũng như hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Ðiều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chuyển nhượng thầu trái phép mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, có thể bị phạt tù đến 5 năm. Nếu phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù đến 20 năm…
Luật sư NGÔ XUÂN PHÚC (Ðoàn Luật sư tỉnh Thái Bình)
Ðể hợp pháp hóa các sai phạm trong đấu thầu, đồng thời qua mặt các cơ quan chức năng, các đối tượng thường dùng các thủ đoạn chia nhỏ dự án, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; lập chứng từ mua bán hàng hóa lòng vòng để đẩy giá cao hơn giá thị trường nhiều lần. Nhiều đối tượng, "doanh nghiệp ma" lợi dụng kẽ hở mua kiểm toán giả, làm giả hồ sơ để tăng năng lực, vốn sở hữu, kết quả sản xuất, kinh doanh nhằm hoàn thiện hồ sơ đấu thầu tham gia hội thầu.
Thượng tá BÙI QUANG KHOA, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Phú Thọ)