Núi đất, đá tràn ngập đất rừng sản xuất
Cách tuyến đường Bình Long đi huyện Trà Bồng 200m, khối đất, đá khổng lồ xuất hiện tại khu vực rừng sản xuất ở xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn hơn một năm qua. Trên diện tích khoảng 8ha, hàng trăm nghìn khối đá, đất, vật liệu thừa ngổn ngang giữa rừng keo xanh. Đất đá cùng nhiều tạp chất đổ thành bãi rộng, tùy khu vực có độ cao từ 5 đến hơn 20m. Bãi tập kết có hàng trăm nghìn khối đá nhiều kích cỡ. Những tảng đá lớn hàng chục khối treo lơ lửng trên đỉnh núi, bên triền bãi cao có thể rơi bất cứ lúc nào.
Vòng quanh bãi chứa khổng lồ này, đá tảng, vật liệu thừa tràn xuống rừng sản xuất đang phát triển và tiếp giáp hồ chứa nước Liên Trì. Đất đá thừa, tạp chất trên thượng lưu đập, hồ chứa nước-nơi tưới tiêu hơn 50ha ruộng, hoa màu trong xã và vùng lân cận.
“Bãi này lâu rồi. Trước đây xe chở vô nhiều lắm, đổ đất đá ngày đêm. Mấy tháng nay thì dừng. Bà con chúng tôi lo cái hồ chứa nước sợ sạt lở xuống đó”, ông Trần Văn Long, người dân sản xuất quanh núi đá lo lắng.
“Người dân phản ánh ảnh hưởng đến hạ lưu của đập, lâu dài ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Đây là đất rừng sản xuất chứ không phải là bãi đổ đá, vật liệu. Xã đã kiểm tra, lập biên bản và kiến nghị ngành chức năng nhiều lần nhưng bãi chứa vẫn còn đó”, đại diện xã Bình Hiệp cho biết.
Núi đá mới hình thành nằm trong khu vực rừng sản xuất của huyện Bình Sơn. Năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi cho phép Công ty TNHH đầu tư Xây lắp và Thương mại Thịnh Phú ở huyện Bình Sơn làm bãi chứa tạm để tiếp nhận 140 nghìn khối đá từ thành phần dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và cung ứng cho các công trình trên địa bàn huyện. Bãi chứa tạm được phép hoạt động đến giữa năm 2019.
Thế nhưng đến năm 2021, doanh nghiệp này tiếp tục nhận đất, đá, tạp chất thừa từ việc giải phóng mặt bằng của dự án ở Khu kinh tế Dung Quất và vùi lấp rừng sản xuất trên diện rộng. Hơn 16ha diện tích đất rừng đơn vị này sở hữu, có khoảng 8ha chứa đất đá, vật liệu thừa từ nhiều nơi tập kết về.
Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu thực hiện các thủ tục nhưng núi đá ngày càng lớn hơn, quy mô rộng hơn. Trong khi đó, các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép bãi chứa, khối lượng, công suất, đánh giá tác động và kế hoạch bảo vệ môi trường... đều không có. Việc sử dụng sai mục đích đất, tập kết vật liệu thừa chưa được ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho phép.
Ông Phạm Văn Lộc, đại điện Công ty TNHH đầu tư Xây lắp và Thương mại Thịnh Phú cho biết: “Tôi không biết bãi đã tiếp nhận bao nhiêu đất đá, các đơn vị đưa vô. Họ liên lạc xin đổ đá, đất nên tôi cho vào. Tôi nhiều lần đề nghị họ làm thủ tục, xin phép nhưng đến giờ họ chưa làm”.
Nhiều bãi chứa khoáng sản, vật liệu dư thừa trái phép
Trên mặt bằng dự án của Công ty cổ phần Đầu tư ICD ở xã Bình Thuận, thuộc Khu kinh tế Dung Quất hàng trăm nghìn khối đá xây dựng cao từ 3 đến 7m. Núi đá chia thành nhiều bãi lớn nhỏ với độ cao và dàn trải khác nhau. Một phần núi đá cao gần 10m cách tuyến đường chính Khu kinh tế Dung Quất khoảng 200m, chia cách bởi hàng rào tạm. Núi đá khổng lồ với các loại đá tảng, đá hộp ngổn ngang trong khu vực dự án.
Năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư ICD ở xã Bình Thuận, Khu kinh tế Dung Quất được ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cấp phép dự án Khu tổ hợp nhà xưởng, văn phòng, kho bãi cho thuê trên diện tích hơn 42ha. Để giải phóng mặt bằng, công ty được phép khai thác 1,5 triệu m3 khoáng sản đá xây dựng trong khuôn viên dự án để hạ độ cao, thu dọn mặt bằng.
Năm 2021, khi giải phóng mặt bằng còn dở dang, đơn vị này tự ký hợp đồng với doanh nghiệp khác để tiếp nhận hàng trăm nghìn m3 khoáng sản đá để gia công chế biến đá thành phẩm. Nơi đây sẽ xây dựng trạm gia công, lắp đặt dây chuyền chế biến đá các loại. cung ứng cho đối tác.
Tự hình thành bãi chứa, tiếp nhận khoáng sản, đến nay công ty này không xác định được khối lượng đã nhận, trữ lượng bao nhiêu tại chính mặt bằng của mình. Hơn 42ha được cấp phép làm dự án văn phòng, nhà xưởng trở thành nơi tiếp nhận, gia công khoáng sản. Chứa khối lượng lớn khoáng sản đá xây dựng nhưng các thủ tục pháp lý về giấy phép, đánh giá tác động môi trường... đều không có.
“Chưa biết trữ lượng đá, vật liệu xây dựng đã vận chuyển vào bãi là bao nhiêu. Công ty không tính đầu vào mà gia công, chế biến xuất ra thì mới tính khối lượng đầu ra”, bà Đào Thị Lệ Hoài, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư ICD cho biết.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết khối lượng khoáng sản, vật liệu dư thừa trong quá trình san lấp mặt bằng, thi công dự án tỉnh Quảng Ngãi đã xem xét, cho phép hình thành các bãi chứa tạm. Tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn hiện có 15 vị trí tiếp nhận hoặc có thể tiếp nhận khoáng sản, vật liệu thừa từ các dự án, công trình và ngành chức năng yêu cầu các đơn vị phải hoàn tất các thủ tục đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không làm hồ sơ, thủ tục lưu chứa; các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép bãi chứa, khối lượng, công suất, đánh giá tác động môi trường... đều không thực hiện theo quy định.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các bãi chứa khoáng sản đất, đá, vật liệu xây dựng phải đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý về khu vực bãi chứa, hạ tầng mỏ đá, phạm vi, công suất chứa, đánh giá tác động môi trường và phương án phục hồi môi trường... Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, mỏ đá tại tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận khoáng sản với sản lượng, quy mô lớn trái phép; không đúng chủ trương đầu tư, không thực hiện các thủ tục theo quy định, thả nổi hoạt động vận chuyển, chế biến khoáng sản...
“Các khu vực chứa hay mỏ đá tiếp nhận vật liệu thừa, khoáng sản phải được kiểm tra về hạ tầng có năng lực không, chứa được bao nhiêu, cắm mốc khoanh vùng, tác động môi trường như thế nào. Phải hoàn thành các thủ tục mới được tiếp nhận”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.
Các núi đá, bãi chứa khoáng sản, vật liệu thừa trái phép với tính chất, quy mô lớn kéo theo nhiều hệ lụy về thay đổi hiện trạng đất nông, lâm nghiệp, nguồn nước cho vùng sản xuất, sạt lở, ô nhiễm môi trường; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, mất đất sản xuất trên diện rộng.