Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện đang là thời điểm cuối hè, đầu thu – mùa sinh sản của ong nên ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ong đốt nhập viện.
Trong đó, ca nặng nhất là bệnh nhân N.T.H (47 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) đã điều trị tại Trung tâm Chống độc gần một tháng. Trước đó, ngày 2-8, trong lúc anh đi phát nương (gần chùa Bà Đanh) thì vô tình động vào tổ ong khiến chúng bung ra và lao vào anh. Anh càng chạy thì càng bị chúng bu vào đốt. Kết quả anh bị đàn ong vò vẽ đốt khoảng hơn 50 nốt trên khắp cơ thể (30 nốt vào vùng đầu và 20 nốt vào lưng, tay, vai). 15 phút sau khi bị ong đốt, người anh nóng bừng, khó chịu, choáng váng. Anh được một người bạn chở về nhà và lấy đá chườm nhưng không đỡ. Sau đó, anh được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 3-8.
TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân N.T.H được chuyển đến trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu. Sau gần một tháng điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển tốt song vẫn còn phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.
Một trường hợp khác cũng bị biến chứng suy đa tạng do ong đốt nhiều nốt đang được điều trị tại Trung tâm chống độc là một bệnh nhân nam 23 tuổi, ở Phú Lương, Thái Nguyên. Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, chiều 19-8, khi em đang lấy củi trong rừng thì bị đàn ong vò vẽ tấn công, tổng số khoảng 70 nốt trên khắp cơ thể, tập trung vào đầu, hai cánh tay, bả vai, lưng… Ngay sau đó bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh và chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo các chuyên gia chống độc, nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.
Các bước xử trí khi bị ong đốt như sau: - Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. - Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. - Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày hai lần. - Uống nhiều nước để loại thải độc tố. - Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. - Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại. Bác sĩ khuyến cáo: Phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (hơn 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi; Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng; Nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều,… Các biện pháp phòng tránh ong đốt - Tránh tiếp xúc với ong. Không chọc phá tổ ong. Hằng năm vào cuối hè - sang thu, số người bị ong đốt tăng lên rất nhiều do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn, vải,… thu hút ong. Trẻ em là đối tượng thường bị ong đốt do trẻ được nghỉ học đi chơi và thường hay tò mò, chọc phá tổ ong. - Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa). - Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ. - Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín. |