Chị Thanh Hoa (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) cho biết, giữa tháng 3 vừa qua, mấy chị em trong gia đình và một số người bạn của chị có kế hoạch du lịch Côn Đảo, được mọi người tín nhiệm giao đặt vé, đặt phòng cho chuyến đi.
Qua tham khảo các trang web về du lịch, chị Hoa đặt mua 9 combo 3 ngày 2 đêm: Hà Nội-Côn Đảo-Hà Nội qua một tài khoản Facebook trong nhóm tư vấn du lịch Côn Đảo. Giá mỗi gói là 7.800.000 đồng/người, với tổng số tiền cần thanh toán là 70.200.000 đồng.
Người bán yêu cầu chị Hoa chuyển khoản tiền đặt cọc 48.200.000 đồng vào một tài khoản mang tên Nguyễn Văn T. tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sau đó người bán sẽ gửi mã vé, thông tin chi tiết chuyến đi qua email.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền 30 phút không nhận được mã vé và thông tin của chuyến đi, chị Hoa liên hệ lại với người bán thì đã bị tài khoản này chặn số. Ngay sau đó, chị đăng bài trên các hội, nhóm du lịch để tìm kiếm thông tin người bán, hy vọng lấy lại được tiền. Nhưng phần lớn bài đăng nhận được phản hồi đều chia sẻ với chị rằng đây là tài khoản ảo, sử dụng tên và ảnh của người khác để lừa đảo ở nhiều nơi.
Chị Hoa cho biết, đây là lần đầu chị đi thăm Côn Đảo, chị đã đăng tìm kiếm thông tin trong các hội, nhóm, nhưng các trang uy tín đều thông báo hết phòng. Dường như hiểu rõ tâm lý, cùng thời điểm đó nhận được đối tượng nêu trên nhắn tin, gửi hình ảnh phòng nghỉ và giới thiệu combo có giá rẻ hơn so với những người làm du lịch khác, cho nên chị quyết định đặt ngay khi biết tin còn vé, còn phòng. Chị Hoa cho biết thêm, trước đó tìm hiểu tài khoản Facebook của người bán, chị Hoa thấy giới thiệu rất chuyên nghiệp, nên cũng không nghi ngờ gì và đã chuyển khoản hơn 2/3 số tiền. Với tâm lý tiếc tiền và sợ bị lừa lần nữa, nên chị Hoa đành hủy chuyến đi trong dịp này.
Tương tự, chị Việt Hằng (nhân viên kinh doanh của một công ty ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), buồn bã chia sẻ trên một diễn đàn về du lịch: “Mình và nhóm bạn vừa mua gói du lịch giá rẻ 3 ngày 2 đêm Hà Nội-Nha Trang với giá hơn 3 triệu đồng/người. Combo gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn 5 sao, cùng với đó là nhiều dịch vụ ăn uống, xông hơi…
Nhóm mình đã chuyển 11 triệu đồng cho đơn vị du lịch này một tuần trước và họ hẹn khoảng hai ngày nữa liên lạc lại để chuyển vé máy bay khứ hồi, nhưng sau một tuần mình không thấy họ liên lạc lại. Mình gọi điện cũng không thấy ai bắt máy, vào Facebook thì bị chặn”.
Trước thông tin chị Hằng chia sẻ, rất nhiều bạn trẻ khác cũng cho biết đã mắc lừa bởi những lời mời chào mua combo du lịch giá rẻ 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm đến các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn... với giá chỉ vỏn vẹn từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người, bao gồm trọn bộ vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và ngủ ở khách sạn hạng sang…
Nhưng trên thực tế, chất lượng dịch vụ cũng không đúng như quảng cáo, khách phải nộp thêm tiền phụ phí hoặc bị cắt giảm dịch vụ, phía công ty cung cấp dịch vụ trì hoãn không thực hiện các trách nhiệm cam kết trong hợp đồng giao dịch.
Anh Nguyễn Huy Khang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt (Hà Nội) cho biết, thường vào dịp nghỉ lễ, các đối tượng lừa đảo “tua du lịch giá rẻ” hoạt động mạnh hơn. Lợi dụng tâm lý thích giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, các đối tượng thường dùng hình ảnh cá nhân, tên của người khác để truy cập vào các hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng (inbox). Chính vì vậy, chỉ khi bị lừa mất tiền hoặc đã dùng xong các dịch vụ không như quảng cáo thì các thành viên trong các hội, nhóm mới biết và nhận được chia sẻ thì cũng đã muộn.
Anh Khang cho biết thêm, khi mua combo trong các hội, nhóm khuyến mãi, giá rẻ trên mạng xã hội, du khách có thể liên hệ với các quản trị viên nhóm hoặc đăng bài để nhờ kiểm chứng mức độ tin cậy. Trước khi giao dịch, du khách cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên lạc trùng với hình ảnh và tên sử dụng trên tài khoản Facebook, hoặc tên công ty, đại lý du lịch...
Với thủ đoạn tinh vi, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt.
Trước thực trạng nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã khuyến cáo mọi người cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm, nên chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề.
Cần cân nhắc việc đơn vị du lịch đề nghị chuyển tiền để giữ chỗ bởi về nguyên tắc, đây chưa phải là khoản tiền xác nhận cung cấp dịch vụ mà chỉ là khoản đặt cọc để đơn vị đó kiểm tra tình trạng gói du lịch. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp lữ hành cần đặt mục tiêu xây dựng niềm tin và sự hài lòng của du khách lên hàng đầu để mang đến các sản phẩm du lịch chất lượng tốt với mức giá hợp lý, không “treo đầu dê bán thịt chó”, góp phần thực hiện thành công chương trình kích cầu du lịch nội địa.
Mỗi khách hàng cần cẩn trọng trong việc chọn lựa đơn vị lữ hành có uy tín, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng, tránh vì ham rẻ mà mua phải sản phẩm với chất lượng không mong muốn.