Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông

NDO -

NDĐT - Thời gian qua, nhiều cánh rừng thông tại Lâm Đồng liên tục bị “bức tử”, cưa hạ trái phép. Động thái này được cho là “để lấy đất” sản xuất nông nghiệp, hoặc sang nhượng trái phép. Điều đáng nói, trong khi địa phương đang rốt ráo thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ hạ độc rừng thông quy mô lớn tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, thì tại những cánh rừng khác trên địa bàn, nhiều cây thông vẫn ngã xuống, hoặc “chết đứng”.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hiện trường vụ hủy hoại rừng thông nghiêm trọng tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hiện trường vụ hủy hoại rừng thông nghiêm trọng tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.

“Nóng” chuyện rừng thông bị triệt hạ

Sáng 15-5, lãnh đạo UBND thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, xác nhận, trên địa bàn xảy ra vụ cưa hạ rừng thông 20 năm tuổi vào rạng sáng 14-5, nhưng chính quyền và ban quản lý rừng chưa xác định được thủ phạm.

Theo ghi nhận, việc cưa hạ cây thông xảy ra tại tiểu khu 263B, cạnh tỉnh lộ 725 từ TP Đà Lạt đi huyện Lâm Hà, thuộc địa bàn thị trấn Nam Ban; cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng đội số 4, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà khoảng 150m.

Theo biên bản hiện trường vụ việc, có bảy cây thông 20 năm tuổi đã bị cưa hạ, khối lượng gỗ hơn 1,1m3. Vụ việc đã được chính quyền thị trấn báo cáo cấp trên. Chính quyền địa phương cho biết, khi nghe tiếng máy cưa, lực lượng bảo vệ rừng đã đến hiện trường, nhưng đối tượng cưa hạ thông đã tẩu thoát. Theo anh T.M.Đ., cán bộ quản lý bảo vệ rừng địa bàn, việc phá rừng này nhằm mục đích chiếm đất, do giá trị đất dọc tỉnh lộ 725, đoạn qua địa bàn thị trấn Nam Ban tăng cao.

Trong khi chính quyền thị trấn Nam Ban và cơ quan chức năng đang xử lý vụ cưa hạ thông trái phép trên, thì tại khu vực đồi thông, thuộc địa bàn thôn 4 và thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, xảy ra tình trạng phá rừng quy mô và tính chất nghiêm trọng hơn. Hàng chục cây thông có đường kính gốc từ 20 đến 40cm đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang chưa kịp tẩu tán.

Theo thống kê, tại tiểu khu 274 có chín cây thông bị cưa hạ và 3.500m2 đất lâm nghiệp bị san ủi. Chính quyền địa phương xác nhận, vị trí san ủi này nguyên là rừng thông, đã bị triệt hạ trái phép từ năm 2018. Xã Gia Lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà đã trồng lại rừng thông vào mùa mưa 2018, nhưng đã bị nhổ trắng. Trong đó, có diện tích đã được phân chia lô thửa và có hàng rào bao bọc.

Tiếp đó, trong quá trình tuần tra, ngày 1-5, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Xuân Phước (ngụ xã Đa Đờn, huyện Lâm Hà), dùng máy múc san ủi đất lâm nghiệp trái phép tại lô N, khoảnh 2, tiểu khu 274, thuộc địa bàn thôn 5, xã Gia Lâm. Qua làm việc, ông Phước cho biết là san ủi thuê cho ông Nguyễn Hùng Cường (ngụ thôn 5, xã Gia Lâm). Dù bị lập biên bản, đình chỉ việc san ủi, nhưng sau đó một ngày, ông Cường tiếp tục cho máy ủi trên phần đất lâm nghiệp.

Theo UBND xã Gia Lâm, tất cả các vụ phá rừng trên địa bàn, chính quyền địa phương đều lập biên bản ghi nhận hiện trường, nhưng đều không xác định được đối tượng vi phạm.

Ngược về phố núi Đà Lạt, nơi được mệnh danh là “thành phố ngàn thông”, từ trên cáp treo du lịch nhìn xuống, hàng loạt cây thông tuổi trưởng thành, tại khu vực tổ dân phố 18, phường 3, cũng đang bị “bức tử”. Cận cảnh khu rừng này, phần lớn những cây thông có đường kính gốc từ 20 đến 40cm, bị “chết đứng” nghi bị “hạ độc”. Những cây thông này đều nằm trong khuôn viên, hoặc cạnh những khu đất đang có các công trình xây dựng hiện hữu. Số khác bị héo úa, nằm rải rác giữa cánh rừng thông, gần những khu canh tác nông nghiệp của người dân.

Trước đó, tháng 9-2018, gần 90 cây thông hơn 30 năm tuổi, đường kính gốc từ 30 đến 50cm, tại tiểu khu 270, thuộc địa bàn thị trấn Nam Ban, bị cưa hạ trái phép, nhiều cây bị khoan lỗ đầu độc chết đứng; diện tích rừng bị phá gần 1.100m2. Vị trí rừng thông bị tàn phá chỉ cách đường tỉnh 725 khoảng 150m, rất gần khu dân cư.

Cách hiện trường trên không xa, một đồi thông khác tại khu phố Chi Lăng, thị trấn Nam Ban, cũng bị cưa hạ. Phía dưới chân đồi, nhiều diện tích đã bị lấn chiếm, san ủi, tạo mặt bằng với mục đích xây dựng nhà và sản xuất nông nghiệp trái phép.

Rồi cuối năm 2015, khoảng 100 cây thông ba lá gần 20 năm tuổi, tại khoảnh rừng giáp ranh giữa thị trấn Nam Ban và xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, cũng trong tình trạng “chết đứng” vì bị đầu độc bằng hóa chất. Khu rừng thông này cũng nằm sát đường tỉnh 725.

Cũng chiêu thức tương tự, vào tháng 8-2018, các đối tượng đã khiến cả nghìn cây thông hơn 22 năm tuổi, thuộc địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng bị tàn phá.

Cần “thuốc đặc trị” để giữ rừng thông

Trở lại vụ hủy hoại rừng thông rất nghiêm trọng trong nhiều năm qua tại Lâm Đồng. Tại hiện trường, khoảnh 2, tiểu khu 292, thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, hàng loạt cây thông đường kính gốc từ 25 đến 40 cm, bị các đối tượng “ken” gốc (khoan lỗ sâu vào thân, đổ hóa chất), khiến cây héo úa, chết đứng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, đến thời điểm này, 3.456 cây thông ba lá 17 tuổi, trên diện tích hơn 10,7ha thuộc tiểu khu này không thể cứu chữa, phục hồi.

Sau khi nắm thông tin vụ việc, ngày 8-5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thông tin vụ việc trên. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-5.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9-5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, Trần Đức Quận và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, cùng các sở, ngành liên quan địa phương, đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và đã có những chỉ đạo cụ thể.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, năm 2018, tại địa bàn xảy ra 102 vụ phá rừng trên diện tích hơn 285 nghìn m2, tăng 48 vụ so năm 2017. Trong đó, những vụ “vắng chủ” lên đến 76 vụ, diện tích hơn 243 nghìn m2. Lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép 41 vụ, diện tích hơn 220 nghìn m2. Chưa kể những vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Trước tình trạng “báo động” trên, địa phương đã có giải pháp gì để bảo vệ những cánh rừng? Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Minh An cho rằng, thứ nhất, đề nghị các hộ dân ở gần rừng ký cam kết không lấn chiếm đất lâm nghiệp. Cùng với đó, tăng cường xác định trách nhiệm của cán bộ, từ ban quản lý rừng, đến cán bộ xã và các phòng ban, lãnh đạo huyện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

“Biện pháp mạnh mẽ nhất đó là, xác định thủ phạm và xử lý nghiêm minh. Như vậy mới ngăn chặn được các đối tượng có mong muốn lấn chiếm đất lâm nghiệp”, ông An nói.

Vụ việc vừa mới phát hiện tại tiểu khu 292, huyện Lâm Hà chỉ là một trong số hàng trăm vụ “bức tử” rừng thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để lấy đất làm rẫy, sang nhượng đất hoặc khai thác gỗ trái phép. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong hai năm 2017 và 2018, địa phương ghi nhận có 1.617 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, rất nhiều vụ không tìm được đối tượng vi phạm.

Trao đổi với PV Nhân Dân điện tử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, thời gian qua, các vụ “ken” cây, triệt hạ rừng thông chủ yếu là để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố trực thuộc, tập trung nắm bắt đối tượng để xử lý nghiêm. Đồng thời, rà soát những tiểu khu “nhạy cảm” (gần khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân), thì chính quyền địa phương cần phải nắm ngay, để chủ động và có giải pháp xử lý kịp thời, chặt chẽ hơn so với các tiểu khu khác.

“Hiện nay, diện tích rừng thông tại Lâm Đồng khá lớn, nhất là tại Đà Lạt và vùng phụ cận. Việc quản lý đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải cần tăng cường; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Đặc biệt, là chủ rừng, vai trò quản lý của kiểm lâm địa bàn, vì không ai sát hơn họ, nếu trách nhiệm không cao, sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng hủy hoại rừng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.

Thời gian qua, rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng đã được ban hành; nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra. Song, những cánh rừng thông nhiều năm tuổi vẫn ngã xuống… Qua những vụ việc trên, dư luận phân vân, liệu đã tìm đúng “thuốc đặc trị” để bảo vệ những cánh rừng thông giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên?!

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 1

Những cây thông vừa bị cưa hạ tại tiểu khu 263B, thuộc địa bàn thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 2

Nhiều diện tích đất được phân lô, rào chắn gần khu rừng thông vừa bị cưa hạ.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 3

Những cây thông dưới tuyến cáp treo Đà Lạt bị “bức tử”.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 4

Phần lớn những cây thông “chết đứng” đều nằm trong khu dân cư khu vực tổ dân phố 18, phường 3, TP Đà Lạt.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 5

Hiện trường vụ đốn hạ rừng thông hơn 30 năm tuổi, tại tiểu khu 270, thuộc địa bàn thị trấn Nam Ban, vào tháng 9-2018.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 6

Với thủ đoạn khoan lỗ vào thân cây rồi đổ hóa chất, cây thông bị “chết đứng”.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 7

Những cánh rừng đang héo khô và những vườn cà-phê mọc lên.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 8

Rừng thông 17 năm tuổi tại tiểu khu 292, thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, bị hạ độc, chết đứng.

Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông ảnh 9

Gần hiện trường vụ hủy hoại thông tại tiểu khu 292 là vườn sản xuất nông nghiệp.