Lưu lượng xe lưu thông qua thành phố ngày càng tăng, vì vậy tồn tại và phát sinh nhiều tuyến đường, điểm mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Trước đây, người dân sống hai bên tỉnh lộ 922 luôn bất an vì tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường này. Tuyến đường được đầu tư mới hơn 1.500 tỷ đồng, dài 29 km đi qua 4 quận, huyện gồm: Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Đỏ. Tuyến đường này có nhiều ngã ba, ngã tư, đường dân sinh dưới dốc cầu, ven kênh nhưng không có đèn tín hiệu điều tiết giao thông, đèn chiếu sáng trong khi lưu lượng xe ngày càng tăng. Vì vậy, tai nạn giao thông thường xảy ra ở các giao lộ khiến người dân lo lắng, bất an.
Tháng 11/2023, Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ lắp đặt, vận hành đèn tín hiệu giao thông ở ngã ba nút giao Quốc lộ 91B với đường tỉnh 922 và ngã tư tỉnh lộ 922 với tỉnh lộ 923 nên tình trạng mất trật tự an toàn giao thông được kiểm soát. Anh Lê Văn Thạnh nhà ở gần ngã tư đường tỉnh 922 và 923 cho biết: Tuyến đường này rộng, thoáng kết nối các quận, huyện của thành phố với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), lưu lượng phương tiện ngày càng tăng, nhất là các xe tải vận chuyển hàng hóa chạy rất nhanh nhưng không có đèn tín hiệu giao thông nên tai nạn thường xảy ra. Từ khi đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt, tình trạng xung đột giao thông được khắc phục, các phương tiện di chuyển đã trật tự, an toàn.
Năm 2023, Ban An toàn giao thông thành phố và các quận, huyện đã khắc phục 17 điểm mất an toàn, trong đó có 10 điểm trên tỉnh lộ, đường nội thị và 7 điểm trên tuyến quốc lộ. Riêng tuyến đường tỉnh 922 hiện còn 3 nút giao cần phải lắp đặt đèn tín hiện, đèn chiếu sáng. Ban An toàn giao thông thành phố đã tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư lắp đặt để bảo đảm an toàn giao thông toàn tuyến trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Cần Thơ hiện còn nhiều tuyến đường, điểm mất an toàn giao thông, dễ ùn tắc, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đó là tuyến Quốc lộ 80 qua địa bàn thành phố nối tỉnh An Giang và Kiên Giang thường xuyên diễn ra tình trạng mất an toàn giao thông. Nguyên nhân do tuyến đường này nhỏ hẹp lại xuống cấp, nhiều nút giao, lưu lượng xe đông cho nên tình trạng mất an toàn kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Ở quận trung tâm Ninh Kiều đang tồn tại 5 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn do lưu lượng xe đông, hạ tầng xuống cấp. Thành phố có dự án nâng cấp, mở rộng 5 nút giao thông này và giao cho quận Ninh Kiều thực hiện nhưng do gặp khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa triển khai. Cần Thơ hiện còn 7 điểm mất an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị cần được khắc phục trong thời gian tới.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ Mai Minh Ngoan cho biết: Năm 2023, thành phố xảy ra 103 vụ tai nạn giao thông làm chết 83 người, bị thương 25 người. So với cùng kỳ số vụ tăng hơn 32%, số người chết tăng hơn 15% và số người bị thương tăng hơn 47%.
Nguyên nhân tai nạn giao thông tăng do người sử dụng phương tiện vi phạm các quy tắc giao thông còn khá phổ biến như: sử dụng rượu bia khi lái xe, chạy quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ, thiếu chú ý quan sát, lấn làn, vượt ẩu. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều có xu hướng ngày càng gia tăng do lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng, trong khi vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác quản lý sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố tại các quận trung tâm thành phố còn nhiều hạn chế; thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi lấn chiếm, vi phạm quy định về sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố để họp chợ, kinh doanh...
Ðể bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp các sở, ban, ngành tập trung khắc phục các điểm mất trật tự an toàn giao thông, những “điểm đen”, điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông như: Đoạn từ Công viên Lưu Hữu Phước đến vòng xoay Đại lộ Hòa Bình, các nút giao trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đường tỉnh 922, nút giao Quốc lộ 91-Quốc lộ 80, nút giao đường Nguyễn Văn Cừ nối dài với cổng chính Trường đại học Nam Cần Thơ,…
Ban An toàn giao thông thành phố yêu cầu lãnh đạo quận Bình Thủy, Ninh Kiều giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khu vực chợ Bà Bộ; khẩn trương xây dựng và triển khai các phương án khắc phục tình trạng ùn tắc trước cổng trường học; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, trông giữ xe…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Ngoài xử lý các điểm, tuyến đường mất an toàn giao thông, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; tiếp tục nhân rộng các mô hình an toàn giao thông có hiệu quả như:
Thảm An toàn giao thông, mô hình cảnh báo giao thông, các đội tuyên truyền lưu động tại các điểm chợ, bến xe; tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; kiểm tra trật tự an toàn giao thông đô thị, đường thủy nội địa và xử lý nghiêm các vi phạm…