Cần thêm hỗ trợ để hạn chế giáo viên bỏ việc vì “lương không đủ sống”

NDO - Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức Chương trình gặp mặt “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cùng Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết (hàng đầu, thứ 9 và 12 từ phải sang) trao Bằng khen tặng các đại biểu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cùng Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết (hàng đầu, thứ 9 và 12 từ phải sang) trao Bằng khen tặng các đại biểu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Qua những câu chuyện thực tế được các giáo viên tiêu biểu chia sẻ tại chương trình, có thể thấy được phần nào những khó khăn, thiếu thốn của công tác giáo dục tại nhiều địa phương hiện nay.

Có những nơi, các thầy, cô giáo phải đi bộ băng rừng hàng tiếng đồng hồ, hoặc ngồi ghe, thuyền vượt sóng dữ, gió bão đến điểm trường ở xã đảo... Thế nhưng, mọi vất vả dường như không thể làm chùn bước những người chèo lái con đò tri thức.

Cô giáo Đinh Thị Loan, Trường mầm non Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho biết, việc giảng dạy ở vùng cao không chỉ gặp khó vì đường sá, địa hình phức tạp, mà bản thân giáo viên còn phải nỗ lực học tiếng địa phương để có thể giao tiếp tốt hơn với học sinh.

Bên cạnh đó, không ít học sinh vùng cao còn có hạn chế nhất định về nhận thức giới tính và kiến thức sức khỏe sinh sản. Vì vậy, giáo viên tại đây cần quan tâm, sâu sát với các em hơn thông qua những biện pháp khoa học và tình cảm gắn bó đặc biệt.

Nhiều năm gắn bó với đồng bào Khmer, thầy giáo Kim Thành Phong, Trường trung học phổ thông Trà Cú (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã thẳng thắn trao đổi về những thiếu thốn, bất cập liên quan cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục.

Từ đó, thầy giáo trẻ chia sẻ về 3 ước mơ giản dị: phòng học, bàn ghế được cải tạo, thay mới; có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ để thiếu nhi dân tộc thiểu số tập trung vào học tập; có nguồn ngân sách giúp đỡ giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa.

“Mức lương hiện nay khiến nhiều giáo viên trẻ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân, không thể nói tới việc nuôi sống gia đình, chăm lo cho con cái đi học. Tôi không mong mỏi được tăng lương, mà chỉ cần chính sách hỗ trợ để giáo viên trẻ an tâm giảng dạy, hạn chế tình trạng thời gian qua có nhiều thầy, cô giáo xin nghỉ việc vì không tự bảo đảm được cuộc sống”, thầy giáo Kim Thành Phong nói.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, Trường trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho hay, hiện có nhiều giáo viên gặp khó trong sử dụng công nghệ thông tin để dạy học vì điều kiện cơ sở vật chất, mạng internet ở vùng cao còn không ít hạn chế. Thầy giáo từ Phú Thọ đề nghị ngành giáo dục và các bộ, ngành có thêm hỗ trợ nhất định nhằm tăng cường công tác chuyển đổi số ở vùng cao.

Ghi nhận những chia sẻ của các thầy, cô giáo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn dẫn những yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, song song việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, yêu cầu hội nhập quốc tế..., bày tỏ mong muốn đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người”.

“Những năm qua, giáo dục nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng, một phần không nhỏ là nhờ sự bền bỉ, sáng tạo, tận tụy, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của đội ngũ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Theo Bí Thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 đã lựa chọn 4 nhóm giáo viên để tuyên dương.

Cụ thể, gồm các nhà giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã áp dụng thực tế, đạt hiệu quả cao; công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; từng có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, được xã hội ghi nhận.

“Các thầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn dạy học sinh làm người, luôn là những tấm gương sáng để các em noi theo, mai này trở thành công dân tốt, có đạo đức, lý tưởng, lối sống lành mạnh, sẵn sàng làm chủ nhân tương lai của đất nước”, đồng chí Nguyễn Minh Triết khẳng định.