Đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc giành thắng lợi áp đảo tại kỳ Thế vận hội này với 94 Huy chương vàng (HCV) khi dẫn đầu ở rất nhiều nội dung như bơi (22 HCV), điền kinh (21 HCV), bóng bàn (11 HCV), đấu kiếm (10 HCV). Tuy nhiên, thành tích của đoàn Trung Quốc vẫn kém chút ít so với số 96 HCV mà họ giành được ba năm trước.
Trong tốp ba nước dẫn đầu, đoàn Anh giành 49 HCV đứng thứ hai, nhiều hơn 8 HCV so với kỳ trước. Ðoàn Mỹ giữ vị trí thứ ba với 36 HCV, giảm 1 HCV so với kỳ trước. Dù không phải là nước chủ nhà, song đoàn Nhật Bản đã vươn lên ở những ngày cuối và lọt vào tốp 10 đoàn dẫn đầu với 14 HCV trong đó có 2 HCV lần đầu tiên họ giành được ở môn quần vợt.
Thành tích này hơn hẳn kỳ Paralympic 2020 khi họ là nước chủ nhà và chỉ xếp thứ 11, có 13 HCV. Ðoàn chủ nhà Pháp với lợi thế nước chủ nhà đã tiến bộ rõ rệt khi xếp ở vị trí thứ tám trên bảng xếp hạng toàn đoàn (19 HCV), trong khi ở kỳ trước, họ chỉ xếp hạng 14 với 11 HCV.
Tại Paris, có tới 65 đoàn giành HCV, 85 đoàn giành huy chương. Trong khu vực Ðông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu với 6 HCV, Malaysia và Singapore cùng có 2 HCV, Indonesia giành 1 HCV. Với 1 Huy chương đồng môn cử tạ của VÐV Lê Văn Công, Ðoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đứng đồng hạng 79 cùng năm đoàn khác.
Ðoàn thể thao khuyết tật Việt Nam có bảy VÐV tham gia thi đấu đã lần thứ ba liên tiếp giành huy chương và đều của VÐV cử tạ Lê Văn Công. Tới Paris khi chưa hồi phục chấn thương, Lê Văn Công đã rất nỗ lực để lần thứ ba liên tiếp giành huy chương cho đoàn Việt Nam. Ở tuổi 40, sẽ rất khó để nói anh sẽ duy trì được thành tích huy chương ở kỳ Thế vận hội năm 2028.
Việc tìm kiếm các tài năng của thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ ngày càng khó hơn bởi chế độ tập huấn, tiền công tập luyện, tiền thưởng cho VÐV vẫn còn khá thấp. Hầu hết các VÐV trong đội tuyển quốc gia tuổi đời đã cao, không còn duy trì được phong độ đỉnh cao, trong khi lứa VÐV kế cận vì nhiều lý do đã không có được những điều kiện tốt cả về cơ sở vật chất lẫn huấn luyện viên giỏi hướng dẫn.
Hầu hết các VÐV đều tập luyện theo mô hình nghiệp dư. Trước mỗi giải đấu lớn họ mới được tập trung ngắn hạn khiến họ rất khó nâng cao thành tích. Việc xã hội hóa thể thao của người khuyết tật còn gặp vô vàn khó khăn, rất ít địa phương còn duy trì được đội tuyển thể thao người khuyết tật; hoặc có cũng chủ yếu tập luyện, thi đấu trong những điều kiện tối thiểu.
Với người khuyết tật, dù biết rằng thể thao giúp họ vượt lên chính mình, nhưng quá nhiều khó khăn, nhất là trong việc phải bươn chải mưu sinh, bảo đảm cuộc sống đã níu chân họ trong sự nghiệp thể thao. Ngay như lực sĩ Lê Văn Công khi giành HCÐ tại Paralympic, anh cũng chỉ được thưởng 85 triệu đồng từ ngân sách quốc gia, 100 triệu đồng từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và 50 triệu đồng của nhà tài trợ.
Thể thao Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và với thể thao người khuyết tật cái khó lại càng gấp bội phần. Bốn năm mới có một kỳ Thế vận hội, nhưng đã tám năm Việt Nam chưa thể giành thêm huy chương Olympic và trong tám năm đó, số lượng huy chương thể thao người khuyết tật cũng giảm dần.
Có thể nói, thể thao nước ta đang rất cần một cuộc cách mạng thật sự với chương trình mang tầm cỡ quốc gia, có tầm nhìn hướng tới tương lai bằng những đãi ngộ đặc biệt từ điều kiện cơ sở vật chất, chế độ dành cho các chuyên gia giỏi chứ không nên dàn trải như hiện nay.