Cẩn thận bệnh suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm chỉ sự ngừng hoạt động bình thường của 2 buồng trứng khi người phụ nữ chưa đến 40 tuổi. Giảm khả năng sinh sản tự nhiên xảy ra ở nhiều phụ nữ vào tuổi 40; tuổi này cũng là mốc khởi đầu những rối loạn về chu kỳ kinh nguyệt, báo hiệu tuổi mãn kinh đang đến. Với những phụ nữ bị suy buồng trứng sớm (SBTS) thì khả năng sinh sản giảm và những bất thường về chu kỳ kinh đã xảy ra từ trước tuổi 40, đôi khi ngay từ tuổi vị thành niên (còn được gọi là suy buồng trứng sớm nguyên phát). Trước đây, bệnh này được gọi là mãn kinh sớm nhưng thuật ngữ này không mô tả đúng thực trạng của người phụ nữ bị SBTS. Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên hiếm khi còn thấy kinh trở lại nhưng người phụ nữ bị SBTS rất có khả năng có những chu kỳ kinh nữa dù không đều. Không thể có thai với phụ nữ mãn kinh tự nhiên nhưng trong một vài trường hợp SBTS phụ nữ vẫn có thể có thai.

Triệu chứng thường gặp nhất của SBTS là kinh nguyệt không đều; đôi khi thầy thuốc không chú ý đến hiện tượng kinh nguyệt không đều hay mất kinh tạm thời, cho rằng chỉ liên quan đến stress nhưng kinh nguyệt thực sự là dấu hiệu quan trọng của sức khỏe phụ nữ, không khác gì huyết áp hay nhiệt độ cơ thể. Nếu bị kinh nguyệt không đều hay bị mất kinh tạm thời thì cần gặp thầy thuốc phụ khoa để xác định nguyên nhân.

Một số phụ nữ bị SBTS cũng có những triệu chứng khác, tương tự như bước vào giai đoạn mãn kinh tự nhiên, bao gồm: Cơn bốc nóng; vã mồ hôi về đêm; trạng thái dễ kích động; khó tập trung tư tưởng; ít quan tâm đến tình dục; đau khi quan hệ tình dục; âm đạo khô; mất khả năng sinh sản.

Cần chú ý đến hiện tượng rối loạn kinh nguyệt vì rất hay gặp trong SBTS. Nếu dưới 40 tuổi và chu kỳ kinh không đều hay bị mất kinh từ 3 tháng trở lên thì cần được đo nồng độ FSH trong máu để xác định xem có SBTS ở giai đoạn khởi đầu hay đã hoàn toàn rõ ràng. Nồng độ cao FSH trong máu là dấu hiệu chắc chắn bị SBTS. rối loạn kinh nguyệt không thôi chưa đủ là dấu hiệu chắc chắn của SBTS. Chỉ có dưới 10% phụ nữ có rối loạn kinh nguyệt hay mất kinh có nồng độ FSH cao bị SBTS. Nếu nồng độ FSH trong phạm vi của phụ nữ mãn kinh thì có thể đã bị SBTS.

Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào có thể phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng nhưng có thể điều trị một số triệu chứng của SBTS. Một trong các liệu pháp thường dùng nhất cho SBTS là liệu pháp hoóc-môn thay thế tức cung cấp cho cơ thể hoóc-môn estrogen và nhiều hoóc-môn khác mà buồng trứng không tạo ra được. Làm như vậy phụ nữ bị SBTS có thể có kinh đều trở lại; ngoài ra còn làm giảm nguy cơ bị bệnh loãng xương. Liệu pháp hoóc-môn thay thế thường là sự kết hợp 2 hoóc-môn estrogen và progesterone (hoặc progesterone tổng hợp gọi là progestin). Cũng có thể dùng viên thuốc tránh thai hoặc dùng dạng cao dán để hấp thụ hoóc-môn vào cơ thể. Các thầy thuốc khuyên phụ nữ bị SBTS dùng liệu pháp hoóc-môn thay thế đến 50 tuổi. Lợi ích của liệu pháp thay là phòng hiện tượng tiêu xương ở phụ nữ bị SBTS. Phụ nữ cũng bài tiết testosterone nhưng chỉ bằng 1 phần 7 của nam giới; hiện nay đang nghiên cứu xem liệu bổ sung testosterone cho phụ nữ bị SBTS để có nồng độ bình thường có làm giảm được sự tiêu xương không. Lợi ích của nghiên cứu này không chỉ có lợi cho phù nữ bị SBTS mà cho cả các phụ nữ trẻ có nguy cơ bị loãng xương.

SBTS có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chung như thế nào? Vì nồng độ hoóc-môn giảm nên có nguy cơ phát triển một số bệnh sau:

Loãng xương: Bệnh giảm sức bền chắc của xương, tăng nguy cơ gẫy xương. Nguyên nhân là do không còn đủ estrogen để duy trì canxi; và  các chất khoáng khác ở xương, phòng ngừa sự tiêu xương. Tỷ trọng xương giảm là yếu tố chính dẫn đến bệnh loãng xương. Vì vậy, SBTS có thể xảy ra ở phụ nữ trẻ chứ không đợi đến 50 tuổi trở lên như thông thường. Phòng ngừa bằng bổ sung ít nhất 1.200mg canxi, với 400 - 800 đơn vị quốc tế vitamin D mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên, đi bộ, tập yoga.

Suy chức năng tuyến giáp trạng: Tuyến tạo ra hoóc-môn để kiểm soát sự chuyển hóa của cơ thể và nồng độ năng lượng. Giảm hoóc-môn tuyến giáp ảnh hưởng đến chuyển hóa và làm cho phụ nữ có năng lượng rất thấp, với những triệu chứng như giảm tốc độ hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trì trệ về thể chất và tâm trí; 2 chân lạnh cũng là đặc điểm của suy giảm chức năng tuyến giáp. Theo một nghiên cứu, 27% phụ nữ bị SBTS có suy giảm chức năng tuyến giáp; trong khi tỷ lệ chung trong dân số (cả nam và nữ) chỉ là 2%. Phòng ngừa bằng cách uống bổ sung hoóc-môn tuyến giáp.

Bệnh Addison: Là bệnh tự miễn dịch; các tế bào miễn dịch lẽ ra bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn xâm nhập lại quay ra tấn công các tuyến thượng thận, làm cho tuyến này không bài tiết ra hoóc-môn có chức năng chống stress và điều hòa muối. Nghiên cứu cho thấy 3.2% phụ nữ SBTS bị bệnh Addison, còn cao hơn cả tỷ lệ chung trong dân số. Triệu chứng của bệnh Addison gồm chán ăn, sút cân, chóng mặt khi đứng và mỏi mệt. Vào giai đoạn muộn, thèm ăn mặn, hạ huyết áp và xạm da. Chẩn đoán, làm tét tìm kháng thể tuyến thượng thận (adrenal antibody test), nếu dương tính làm tiếp tét kích thích ACTH (ACTH stimulation test) để khẳng định. Tuy không thể phòng ngừa bệnh Addison nhưng nếu phát hiện sớm có thể dùng liệu pháp hóc-môn bổ sung để kiểm soát bệnh, nếu không được điều trị có thể nguy hiểm cho tính mạng vì cơ thể không thể đáp ứng tốt với stress như bệnh tật, chấn thương hay khi phải can thiệp phẫu thuật. Phụ nữ bị SBTS cần được tầm soát bệnh Addison, nếu không được phát hiện thì khi gặp phải những sự cố nghiêm trọng như tai nạn, phải mổ... sẽ có nguy cơ bị tình trạng gọi là "khủng hoảng thượng thận", có thể dẫn đến choáng, thậm chí tử vong.

Bệnh tim: Tuy rất hiếm xảy ra với phụ nữ trẻ bị SBTS nhưng một số yếu tố có thể làm tăng cơ may phát triển bệnh tim về sau này. Giảm nồng độ estrogen trong bệnh SBTS có thể làm tăng nồng độ LDL-c (cholesterol xấu) nguyên nhân chính gây ra mảng bám và nghẽn tắc các động mạch, từ đó dẫn đến đột qụy. Nồng độ thấp estrogen trong SBTS cũng dẫn đến giảm nồng độ HDL-c (cholesterol tốt), chất giúp ngăn cản sự tạo thành nghẽn tắc ở các động mạch. Khi các động mạch bị cholesterol bám nhiều thì thành mạch sẽ xơ cứng làm cho dòng máu đi đến tim chậm lại hay bị cản trở hoàn toàn. Tim không được cung cấp đủ ôxy nên gây ra đau ngực; nếu máu cung cấp cho một bộ phận của tim bị cắt đứt hoàn toàn sẽ gây ra nhồi máu cơ tim. Liệu pháp bổ sung estrogen giúp bảo vệ chống lại bệnh tim, làm cho thành động mạch không bị mảng bám, làm giãn cơ kiểm soát các động mạch để dòng máu đi đến các mô tốt hơn, làm cho nồng độ LDL và HDL trở về bình thường nhằm giảm sự tạo thành mảng bám cholesterol trong các động mạch, ngăn chặn sự tắc nghẽn mạch. Giữ cho cân nặng cơ thể vừa mức và tập thể dục thường xuyên. Bỏ thuốc lá. Những yếu tố nguy cơ khác cho tim là: Cao huyết áp (từ 140/90mmHg trở lên coi là cao); cholesterol cao; lịch sử gia đình có bệnh tim; tuổi phụ nữ từ 55 trở lên.

Hội chứng liên quan đến nhiễm sắc thể x yếu (fragile X syndrome): Trong số những phụ nữ bị SBTS, những nghiền cứu cho thấy 13,8% phụ nữ có lịch sử gia đình bị SBTS, và 2,1% phụ nữ không có lịch sử gia đình bị SBTS có thể bị một thể nhẹ của hội chứng liên quan đến nhiễm sắc thể X yếu. Hội chứng này là một bệnh về gien, phát sinh do lỗi ở 1 gien. Phụ nữ mang gien bệnh có thể không có triệu chứng gì nhưng cũng có thể mất khả năng học tập. Phụ nữ mang gien bệnh có thể truyền cho con và con cũng sẽ mất khả năng học tập và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên chỉ bị SBTS thôi thì không phải là dấu hiệu của hội chứng liên quan đến nhiễm sắc thể X yếu mà phải có thêm nhiều đặc điểm khác nữa như có lịch sử gia đình bị chậm phát triển trí tuệ không rõ nguyên nhân.

Phụ nữ bị SBTS rất khó có thai vì 2 buồng trứng không còn hoạt động bình thường. Tới nay, chưa có phương pháp điều trị để cải thiện khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên cũng có khoảng 5 - 10% phụ nữ SBTS có thai mà không cần điều trị; có khi chục năm sau mới có thai sau khi đã được chẩn đoán là SBTS. Các nhà khoa học cũng không thể giải thích vì sao một số SBTS có thể có thai một số lại không thể. Những phụ nữ bị SBTS thường phải cần đến phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người cho. Phương pháp này lấy trứng của phụ nữ khác rồi cho thụ tinh với tinh trùng của chồng người phụ nữ bị SBTS, sau đó trứng đã thụ tinh được cấy vào tử cung người phụ nữ bị SBTS để mang thai và sinh con.