Cần tăng cường kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng

NDO -

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhấn mạnh rằng nếu quyền lực không được kiểm soát tốt, dễ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, và đó là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết vấn đề kiểm soát quyền lực đã được đề cập trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, bổ sung năm 2011 và tiếp tục được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013, khi khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện trên thực tế còn hạn chế.

Nhấn mạnh vai trò của kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, đại biểu đề nghị Quốc hội cần giao cho Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo theo hướng giao cho Tòa án các cấp thực hiện toàn bộ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính.

Các cơ quan hành chính vẫn thực hiện trách nhiệm giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu có khiếu nại đối với các quyết định giải quyết tố cáo của cơ quan hành chính thì việc giải quyết khiếu nại đó do Tòa án thực hiện.

“Nếu làm được như vậy, sẽ phát huy tốt hơn vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước của cơ quan tư pháp đối với các hoạt động hành pháp; từ đó góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của các cơ quan và trách nhiệm của công chức, viên chức nhà nước trong việc quyết định và thực hiện các quyết định hành chính, giảm thiểu các hành vi tham nhũng, tiêu cực”, đại biểu Trần Văn Tuấn khẳng định.

Giải trình về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, cùng các ban, bộ, ngành trung ương liên quan để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành quy định về kiểm soát quyền lực Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng -0
 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội trường sáng 24/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiên dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đề án xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn, quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

“Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm không thể tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.

Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra được cải thiện

Phát biểu về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị làm rõ các số liệu như: số cuộc thanh tra hành chính giảm 32% so với năm 2020, số cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị xem xét, xử lý hành chính giảm 30%, nhưng mức độ vi phạm về kinh tế thì lại tăng, cụ thể là tăng 6% về số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất và tăng gần 4% số cá nhân chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Riêng Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 42 cuộc thanh tra và phát hiện sai phạm về kinh tế ở 20 cuộc, chiếm gần 50% số cuộc thanh tra, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý tăng 20,1% so với năm 2020.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, năm 2021 số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020 chủ yếu là do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn. Tuy nhiên, việc phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng, cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật.

Tăng cường kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng -0
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Đặc biệt, các cơ quan nội chính đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: trong quá trình thanh tra, kiểm tra thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

“Điển hình về cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc ngay trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua sang cơ quan điều tra ngay trong quá trình thanh tra khi chưa dự thảo kết luận thanh tra”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Dự kiến thanh tra liên quan công tác phòng, chống Covid-19 trong năm 2022

Đối với việc xử lý những vụ việc và đối tượng tham nhũng liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm, kiên quyết không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, vì hậu quả của những vi phạm này không chỉ đơn thuần là về kinh tế mà còn về tinh thần, ý chí và tác động không nhỏ đến lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

“Đây là vấn đề cử tri đang rất bức xúc, bởi nó ảnh hưởng đến việc huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn khả năng diễn biến phức tạp và kéo dài”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.

Tăng cường kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng -0
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại hội trường sáng 24/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết số 217, 218, trong đó có nội dung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và có biện pháp phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV