Cần sửa đổi, bổ sung vướng mắc trong thủ tục xin nhập hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh

Nhiều bất hợp lý cần được xem xét điều chỉnh

Theo Trung tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính - Trật tự xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh, việc ban hành Chỉ thị 27 ngày 26-8-1999 của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ yếu giải quyết những trường hợp xin nhập hộ khẩu thuộc khoản 4, Điều 12 của Nghị định 51/CP ngày 10-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung của chỉ thị này đã được mở rộng ra một số đối tượng không nằm trong các quy định được đăng ký hộ khẩu theo Nghị định 51, nhưng phải hội đủ các điều kiện: Không thuộc diện cấm cư trú tại TP Hồ Chí Minh, có giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của cấp có thẩm quyền và có cuộc sống ổn định. Các diện còn lại hiện nay vẫn được xem xét cho nhập hộ khẩu vào TP Hồ Chí Minh bình thường và để thuận tiện cho người dân trong việc làm thủ tục nhập hộ khẩu, thành phố đã có quy định phân cấp về cho các quận, huyện trực tiếp giải quyết.

Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, tại Điều 11 và 12 của Nghị định 51 vẫn còn những bất hợp lý, mà quá trình thực hiện thành phố chưa có kiến nghị để điều chỉnh cho hợp lý. Đơn cử như Điều 11, ngoài quy định tính hợp pháp về nhà ở phải thuộc sở hữu của mình, có quyết định phân phối nhà ở, hoặc được chủ hộ gia đình đồng ý cho ở nhà hợp pháp của chủ hộ; người xin nhập hộ khẩu còn phải hội đủ các điều kiện quy định tại Điều 12 như: Được cơ quan có thẩm quyền điều động, tuyển dụng vào làm việc ở địa bàn thành phố thay thế cho những công chức, viên chức được thuyên chuyển đi nơi khác, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc…

Quy định này đã hạn chế những người không phải là công chức thì không được đăng ký hộ khẩu trường trú (HKTT), dù họ có những đóng góp nhất định cho địa phương. Trong các quy định của Chỉ thị 27, mặc dù đã được mở rộng, song chỉ riêng điều kiện: “Có giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”, người xin nhập hộ khẩu cũng rất khó hội đủ được do những ràng buộc khác về thủ tục như: muốn có nhà thì phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà. Hay khoản 2.2 của Chỉ thị 27 mặc dù đồng ý cho diện có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được cơ quan nhà nước, hoặc các tổ chức kinh tế - xã hội có thẩm quyền ở thành phố đồng ý tiếp nhận, bố trí việc làm, còn phải được người chủ HKTT tại thành phố bảo lãnh nơi ở mới được nhập hộ khẩu…

Để người dân thật sự an cư

Theo số liệu của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm tỷ lệ dân nhập cư sinh sống tại TP Hồ Chí Minh tăng từ 15% đến 20% và phần lớn trong số này đều có mong muốn được cư trú lâu dài, được hưởng mọi quy định về phúc lợi và chăm sóc về sức khỏe, học hành như những công dân của TP Hồ Chí Minh. Theo quy định, việc đăng ký HKTT chỉ là biện pháp quản lý hành chính, nhằm giúp cơ quan Công an nắm được những biến động về nhân, hộ khẩu trên địa bàn dân cư, song trên thực tế thì tấm hộ khẩu lại trở thành một thứ giấy “thông hành” có liên quan đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Về giao dịch dân sự, không có hộ khẩu thường trú, người nhập cư không được quyền đứng tên tài sản của mình như: nhà, đất, phương tiện giao thông, đăng ký kinh doanh, vay, thế chấp tài sản… Các phúc lợi khác như: chăm sóc y tế, học hành, đào tạo, tuyển dụng việc làm và các chính sách hỗ trợ làm ăn sinh sống, người nhập cư cũng chịu nhiều thua thiệt so với người có hộ khẩu thường trú.

Đây là một vấn đề bức xúc của đông đảo người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, mong được các cơ quan chức năng sớm xem xét, điều chỉnh những bất hợp lý trong thủ tục xin nhập hộ khẩu, nhằm tạo điều kiện để họ an cư, ổn định cuộc sống lâu dài.

Có thể bạn quan tâm