Thế nhưng, hiện con sông này vẫn chưa được nạo vét khơi thông và xây kè bảo vệ, khiến người dân lo lắng mỗi khi mưa lớn, lũ về. Trong khi đó, Quốc lộ 19C có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ tới.
Đất sản xuất ngày càng bị bồi lấp
Những năm gần đây, lòng sông bị cát bồi lấp càng nặng, kiệt nước vào mùa khô, không thoát lũ kịp vào mùa mưa lũ, gây ngập úng nhiều địa phương của huyện miền núi Đồng Xuân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 18 người ở xóm Trường và xóa sạch hàng chục ngôi nhà của người dân xã Xuân Quang 2 do lũ dâng nhanh năm 2009.
Theo quan sát của phóng viên, đoạn sông Kỳ Lộ chảy qua khu vực hai thôn Long Hà, Long An, thị trấn La Hai, giữa lòng sông nổi lên những cồn cát, dòng chảy bị tác động về phía bờ tả, sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất của người dân. Trong khi đó, hai thôn Tân Phú, Tân An, xã Xuân Sơn Nam, hàng chục ha đất trồng mía, sắn của người dân đã bị cát san bằng, bỏ hoang. Chính quyền và người dân không khỏi lo lắng chạy lũ mỗi khi mùa mưa đến.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nói: “Cát bồi lấp quá lớn, không thể sản xuất được; nước lũ ngày càng thoát chậm trong mùa mưa. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng này, có hệ thống đê kè bảo vệ bờ sông, nếu không nông dân sẽ không còn đất sản xuất”.
Ông Hồ Văn Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân cho biết: “Trước đây, thôn Tân Phú và Tân An là những vùng đất màu, người dân trồng cây mía cho năng suất, chất lượng tốt, nhưng hiện nay người dân phải bỏ đất, một số hộ phải chuyển đổi nghề hoặc đi nơi khác làm ăn”.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân, tổng diện tích đất bị xói lở lên đến hơn 100ha tại địa bàn 6 xã, thị trấn. Để tránh thiệt hại, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, huyện Đồng Xuân kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xây kè dọc sông Kỳ Lộ qua các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam. Trước mắt, xây kè dài hơn 2.000m từ cầu sắt La Hai đến khu phố Long An, thị trấn La Hai. Đây là vị trí uy hiếp trực tiếp nhà ở của 87 hộ dân và 14ha đất sản xuất.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân kiến nghị: “Ngoài phải đầu tư xây dựng các tuyến kè, huyện mong muốn cho phép được nạo vét cát, chỉnh trị dòng sông, góp phần giảm mực nước dâng cao, giảm mức độ thiệt hại của nước lũ đến sản xuất của người dân. Nguồn cát sau nạo vét tận dụng tạo nguồn thu để xây dựng các công trình kè chống xói lở đã bố trí trong quy hoạch”.
Đây được xem là phương án tối ưu nhằm chỉnh trị dòng sông, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Thế nhưng, vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa được thực hiện, khiến người dân lo lắng khi mùa mưa lũ đổ về.
Nhiều đoạn sông Cô (một nhánh sông hợp vào sông Kỳ Lộ) qua xã Xuân Long đang tiếp tục ăn sâu vào bờ, uy hiếp an toàn Quốc lộ 19C cạnh tuyến đường sắt bắc-nam. |
Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 19C
Hiện nhiều đoạn trên Quốc lộ 19C song song với đường sắt bắc-nam từ huyện miền núi Đồng Xuân lên huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đang bị sông Kỳ Lộ uy hiếp, nhiều nơi bị sạt lở sát ta-luy âm. Đất sản xuất của người dân ngày càng bị dòng sông xâm thực, giao thông đường bộ, đường sắt bị đe dọa, chính quyền địa phương không khỏi lo lắng, nhất là mùa mưa lũ tới, nhưng chưa thấy ngành chức năng có biện pháp khắc phục.
Phía Tây cầu Cây Sung thuộc xã Xuân Long, huyện miền núi Đồng Xuân, sông Cô (một nhánh sông hợp vào sông Kỳ Lộ) đã và đang tiếp tục xâm thực sâu nhiều đoạn dài hàng chục mét, chỉ còn cách Quốc lộ 19C chừng 3m. Đây cũng cũng là vị trí lũ xoáy mạnh, gây sạt lở nghiêm trọng nhất, khiến cả chính quyền địa phương và người dân lo lắng. Theo ông Bùi Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, bên kia bị tắc dòng, nước chảy qua bên này gây sạt lở bờ sông sát Quốc lộ 19C. Nếu không có biện pháp nạo vét chỉnh dòng, mùa mưa năm 2022 này sông sẽ tiếp tục gây xói lở, xâm thực sâu và uy hiếp an toàn tuyến Quốc lộ 19C…”
Quốc lộ 19C là tuyến xương sống nối 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên với đồng bằng và các tỉnh Tây Nguyên; là con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, nông-lâm sản, góp phần giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 qua các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thế nhưng, nhiều năm qua, chỉ cần một trận mưa lớn, đường qua cầu Cây Sung lại bị ngập, gây ách tắc giao thông và xói lở bờ.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân lo lắng: “Chúng ta phải có phương án nạo vét kịp thời. Nguy hại hơn là dòng sông Kỳ Lộ không chỉ ảnh hưởng hai bên bờ, mà còn uy hiếp đến Quốc lộ 19C vì nhiều đoạn chỉ còn cách từ 1 đến 2m. Việc nạo vét, chỉnh trị dòng sông để giảm mức độ thiệt hại, ngập úng, quan trọng hơn là bảo đảm tuyến giao thông Quốc lộ 19C qua địa bàn huyện”.
Mùa mưa sắp tới, Quốc lộ 19C sẽ tiếp tục bị uy hiếp nặng hơn. Nếu không có giải pháp nạo vét lòng sông, xây kè khẩn cấp để thoát lũ, chống sạt lở, giao thông đường bộ và đường sắt tại khu vực trên rất có thể bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông và đất sản xuất của người dân ngày càng bị xâm thực sâu.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên, do vị trí địa hình bất lợi đi kẹp giữa tuyến đường sắt bắc-nam và dòng sông Cô, nên đến mùa mưa lũ gây ngập úng cục bộ, xói lở nền đường tuyến Quốc lộ 19C. Trước thực trạng trên, Sở phải thường xuyên theo dõi diễn biến thay đổi dòng chảy, kịp thời khắc phục các vị trí bị nền đường sạt lở. Đồng thời kiến Bộ Giao thông Vận tải sớm bố trí kinh phí kiên cố hóa toàn bộ mái taluy nền đường tuyến Quốc lộ 19C chạy dọc sông Cô.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên, cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lũ lụt bất thường làm dòng chảy sông Cô biến đổi, gây xói lở đất sản xuất của nhân dân ven hai bên bờ sông, ăn sát vào nền đường đoạn Km48+270-Km58+00 tuyến Quốc lộ19C.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép khắc phục ngay để bảo đảm an toàn công trình và người, phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Bộ Giao thông vận tải sớm bố trí kinh phí thực hiện kiến cố hóa toàn bộ mái taluy nền đường để bảo vệ Quốc lộ 19C và hành lang an toàn đường sắt bắc-nam chạy dọc sông Cô trên hệ thống sông Kỳ Lộ.