Cần sớm giải quyết tranh chấp khi di dời phương tiện

Thời gian qua, Báo Nhân Dân liên tục nhận được đơn của Công ty TNHH Hoàng Nguyên Vũng Tàu kêu cứu về việc UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) di dời hai phương tiện của đơn vị không đúng trình tự pháp luật.
Cảng nước sâu Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh NGÔ TUẤN)
Cảng nước sâu Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh NGÔ TUẤN)

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng diện tích 149,38 ha tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh do Công ty TNHH Nhiệt điện II (VAPCO) làm chủ đầu tư gồm 2 tổ máy đốt than với tổng công suất là 1.200 MW. Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2020 với 9 hạng mục chính, trong đó có gói thầu nạo vét và rải đá khu vực cửa xả đường ống làm mát được tổng thầu xây dựng giao lại cho các nhà thầu phụ thực hiện.

Nhà thầu phụ sau đó thuê Công ty TNHH Hoàng Nguyên Vũng Tàu (Công ty Hoàng Nguyên) thực hiện. Quá trình này đã xảy ra những mâu thuẫn tranh chấp, do vậy Công ty Hoàng Nguyên để lại hai phương tiện là tàu Trường Thành 6868 và sà-lan Trường Thành 08 tại vị trí thi công để làm cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp. Tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm thì chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép phương tiện và hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình di dời 2 phương tiện của Công ty Hoàng Nguyên.

Theo ông Trần Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, diện tích mặt biển thực hiện dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho chủ đầu tư vào năm 2023, do vậy hoạt động của phương tiện trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước. Căn cứ đơn yêu cầu hỗ trợ di dời thiết bị nạo vét của chủ đầu tư và xét thấy là công trình trọng điểm quốc gia nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết xử lý tình hình.

Quá trình giải quyết vụ việc, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an thị xã Kỳ Anh đã nhiều lần mời các bên liên quan làm việc, đồng thời tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức để giải thích rõ mọi khiếu nại, tranh chấp về kinh tế phải được giải quyết tại tòa án; yêu cầu Công ty Hoàng Nguyên di chuyển tàu ra khỏi phạm vi mặt nước đã được bàn giao cho chủ đầu tư nhưng Công ty Hoàng Nguyên không chấp hành. Do vậy, ngày 17/7/2024, UBND thị xã Kỳ Anh đã tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự cho quá trình di dời và khẳng định hoạt động này không phải cưỡng chế. Trước khi chủ đầu tư di dời phương tiện, lực lượng chức năng đã kiểm tra xác định hiện trạng các tàu cùng trang thiết bị, tài sản trên tàu.

Quá trình kiểm tra hiện trạng và bảo đảm an ninh, trật tự đã được lực lượng chức năng lập biên bản, ghi hình, không kiểm tra chất lượng bên trong các tài sản... Hai tàu sau khi được chủ đầu tư di dời ra khỏi phạm vi thi công đã được đưa về vị trí do Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh chỉ định. Đến nay, chủ phương tiện tàu Trường Thành 6868 đã làm thủ tục rời cảng để đưa về; còn lại sà-lan Trường Thành 08, chủ phương tiện và Công ty Hoàng Nguyên chưa đến tiếp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Lâm, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Hoàng Nguyên, việc UBND thị xã Kỳ Anh di dời phương tiện thực chất là cưỡng chế di dời. Bởi, tại Văn bản số 4054/UBND-KT1 ngày 15/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao UBND thị xã Kỳ Anh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước để hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự trong phạm vi thi công dự án theo đề nghị của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, UBND thị xã Kỳ Anh không thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước như xác minh, làm rõ hai phương tiện có vi phạm pháp luật hay không, nếu có vi phạm pháp luật thì cần phải chỉ rõ, giải quyết theo đúng trình tự pháp luật; khi di dời phải bảo đảm tính pháp lý và đúng trình tự pháp luật như phải có văn bản của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền lập về hành vi neo đậu đã vi phạm pháp luật được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật như thế nào; nếu có vi phạm phải tiến hành lập biên bản vi phạm và trong biên bản phải yêu cầu Công ty Hoàng Nguyên đưa phương tiện ra khỏi vị trí neo đậu trong thời hạn là bao nhiêu ngày. Khi đã hết thời hạn, nếu đơn vị chủ quản của phương tiện không tự di dời mới tiến hành cưỡng chế di dời.

Ngoài ra, ông Lâm cho rằng, lực lượng chức năng đã cắt neo tàu và cho tàu lai dắt hai phương tiện nhưng không lập biên bản vi phạm pháp luật tại địa điểm vi phạm mà lại lập ở một nơi khác, không có quyết định xử phạt hành chính hay quyết định xử lý hành chính, không có quyết định cưỡng chế hành chính của người có thẩm quyền.

Đối với việc thu hồi giấy phép hai phương tiện của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, ông Lâm cho biết, các phương tiện của Công ty Hoàng Nguyên đã được cấp phép trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư và hồ sơ pháp lý để chứng minh các phương tiện đủ điều kiện cấp phép, do vậy nếu thu hồi giấy phép cũng cần có văn bản đề nghị và hồ sơ pháp lý chứng minh lý do thu hồi giấy phép hoạt động về những hành vi vi phạm trong hoạt động thi công. Tuy nhiên, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh chỉ dựa trên văn bản đề nghị của chủ đầu tư để thu hồi giấy phép mà không có hồ sơ pháp lý kèm theo, thẩm định chứng minh phương tiện không còn đủ chất lượng theo yêu cầu để thực hiện tiếp hoạt động thi công.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động thi công trong khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh không có quy định pháp luật cụ thể. Tuy nhiên, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã căn cứ đơn đề nghị của chủ đầu tư để xem xét, ban hành văn bản thu hồi giấy phép hoạt động của phương tiện. Việc chủ đầu tư đề nghị thu hồi giấy phép và Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh ra thông báo dừng thi công là để thống nhất trong quá trình thực hiện, đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý trong trường hợp các phương tiện tự ý hoạt động làm mất an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và ô nhiễm môi trường tại khu vực thi công, nhất là trên luồng, tuyến vận tải. Những cản trở đó có thể làm chậm tiến độ dự án khi chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng phương tiện ■