Cần quy định rõ các cơ chế và nguồn xử lý rủi ro tại Dự án Luật PPP

NDO -

NDĐT - Ngày 11-11, trình bày báo cáo thẩm tra tóm tắt Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ chế áp dụng, đồng thời phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan tại Dự án Luật PPP.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật PPP. (ẢNH: DUY LINH)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật PPP. (ẢNH: DUY LINH)

Bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro hụt doanh thu

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật PPP, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư.

“Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được tri thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường”, Bộ trưởng KHĐT nói.

Đặc biệt, Tờ trình chi tiết cũng nêu rõ, quy định về bảo đảm Chính phủ chỉ là khung nguyên tắc và điều kiện, là công cụ để Chính phủ điều hành trong từng trường hợp cụ thể, không áp dụng tràn lan.

Theo đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét về hai cơ chế tại dự thảo Luật: cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro.

Về Cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, Chính phủ quyết định cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng trường hợp dự án PPP bằng Nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ chỉ xem xét quyết định bảo đảm cân đối ngoại tệ sau khi doanh nghiệp dự án PPP đã thực hiện quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối nhưng thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án PPP.

Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, một trong những biện pháp cơ bản nhằm chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Cơ quan ký kết hợp đồng và Nhà đầu tư là điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí.

Trường hợp các biện pháp này vẫn không thể bảo đảm được phương án tài chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thì việc xem xét có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Qua khảo sát, nghiên cứu cách tiếp cận mới trên thế giới về chia sẻ rủi ro trong dự án PPP, dự thảo Luật thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” mà thông qua cơ chế này, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế; đồng thời cho phép Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu.

Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với dự án PPP đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Tránh bảo đảm tràn lan, kiểm soát chặt an toàn nợ công

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc xây dựng cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Cần quy định rõ các cơ chế và nguồn xử lý rủi ro tại Dự án Luật PPP ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) Vũ Hồng Thanh trinh bày báo cáo thẩm tra. (ẢNH: DUY LINH)

”Ủy ban Kinh tế nhận thấy, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP”, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh nói.

Tuy nhiên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm. Đồng thời, xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP.

”Tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô”, Báo cáo thẩm tra chi tiết UBKTQH nêu rõ.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, theo UBKTQH cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Tuy nhiên, để xử lý các rủi ro liên quan cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật PPP, UBKTQH đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.

UBKTQH cũng đề nghị như quy định rõ hơn về mở rộng cơ chế áp dụng đến các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (ngoài thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ).

Đồng thời, UBKTQH cũng đề nghị xác định nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự án Luật PPP.

“Dự án Luật cần làm rõ được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rui ro doanh thu. Nguồn này có được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn? Hay trích từ quỹ tích lũy trả nợ đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công?” – Báo cáo thẩm tra chi tiết của UBKTQH nêu.